Với diện tích chè đạt trên 1,1 nghìn ha, Tức Tranh là địa phương có tổng diện tích chè lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Lương. Xác định đây là cây trồng kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm chè của địa phương.
Với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, Tức Tranh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè. Tuy nhiên, trước đây, bà con chủ yếu chỉ trồng giống chè trung du với phương pháp sản xuất, chế biến thủ công, chưa thực sự quan tâm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vì thế, giá trị sản phẩm chè chỉ đạt vài chục đến gần 100 nghìn đồng/kg chè búp khô.
Bắt đầu từ khoảng năm 2005, nhận thấy được giá trị kinh tế của cây trồng này đem lại, được sự định hướng của UBND huyện, chính quyền xã Tức Tranh đã vận động, tuyên truyền người dân cải tạo giống chè trung du già cỗi bằng các giống chè cành có năng suất cao như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… Đến nay, tổng diện tích chè giống mới của xã đã tăng lên trên 860ha (chiếm hơn 78% tổng diện tích chè của địa phương). Cùng với việc thay đổi cơ cấu giống cây trồng, xã cũng đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích người dân thực hiện quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, xã đã phối hợp tổ chức được trên 30 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè; xây dựng được 67,3ha chè VietGAP (tăng 45ha so với năm 2015). Không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2018 đến nay, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, trên địa bàn xã đang xây dựng 2 mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ với tổng diện tích khoảng 70ha tại 2 xóm: Tân Thái, Bãi Bằng.
Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè an toàn, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện về vật tư, máy móc, xã cũng tạo điều kiện cho người dân vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội để chủ động đầu tư mua sắm trang thiết bị, phân bón, cải tạo đất trồng chè… từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phát triển cây chè của 2 ngân hàng đạt trên 50 tỷ đồng.
Gia đình ông Đỗ Văn Trấn, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh mạnh dạn đầu tư khu chế biến chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè, xã cũng chú trọng việc xây dựng và quảng bá nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh. Đầu năm 2014, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Đảng ủy và chính quyền xã đã bắt tay vào xây dựng phương án phát triển nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh; vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nhãn hiệu. Nhờ vậy, năm 2015, nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh đã chính thức được công nhận. Đến nay đã có gần 2 nghìn hộ dân đăng ký sử dụng. Giá trị các sản phẩm chè có logo nhãn hiệu chè Tức Tranh đã tăng lên gấp đôi so với giá trị các sản phẩm thông thường.
Bên cạnh việc xây dựng nhãn hiệu, hàng năm, xã còn đẩy mạnh giới thiệu, tạo điều kiện cho các làng nghề, hợp tác xã tham gia hội chợ, lễ hội trong và ngoài huyện để phát triển thương hiệu sản phẩm chè. Đặc biệt, cuối năm 2020, xã cũng tổ chức Ngày hội giới thiệu sản phẩm các làng nghề chè xã Tức Tranh. Đây là lần đầu tiên xã đăng cai tổ chức. Ngày hội này chính là dịp để các làng nghề trên địa bàn có cơ hội được quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay, phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã đã thay đổi tập quán sản xuất, tuân thủ kỹ thuật chăm bón, thu hái và chế biến chè đảm bảo theo quy trình VietGAP, tạo ra những sản phẩm chè ngon với giá trị cao. Qua thống kê, trung bình hàng năm, sản lượng chè của xã đạt trên 13 nghìn tấn; năng suất đạt 131,6 tạ/ha, giá bán ra đạt từ 200 đến vài triệu đồng/kg chè búp khô. Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm chè búp khô truyền thống, người dân còn phát triển các dòng sản phẩm khác như: bột trà matcha, chè túi lọc, kẹo trà xanh.
Ông Tô Văn Khiêm, Trưởng Ban quản lý Làng nghề chè cụm Khe Cốc xóm Tân Thái cho biết: Kể từ sau khi triển khai sản xuất chè VietGAP đến nay, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất chè an toàn. Vì thế, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cải tạo khu chế biến chè, mua máy móc, thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, 100% hộ dân đã sử dụng máy vò inox; 70% hộ sử dụng tôn quay inox; 60% số hộ có khu chế biến chè đảm bảo an toàn; xóm đã có 20ha chè được chứng nhận chuyển đổi theo hướng hữu cơ.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong giai đoạn tới, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để bà con xác định được cây chè là cây mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao giá trị nhãn hiệu chè tập thể xã Tức Tranh; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới là tiêu chuẩn hữu cơ…