Năm 2020, cùng với cả nước, cộng đồng các doanh nghiệp (DN) tỉnh Thái Nguyên phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước bối cảnh đó, nhiều DN bị tổn thất về kinh tế, đối mặt với nguy cơ bị ngưng trệ, tạm dừng sản xuất. Vượt lên trên những khó khăn, các DN đã nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ, quyết tâm phục hồi sản xuất - kinh doanh và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
“Khó chồng khó”
Đó là đánh giá chung của nhiều DN trên địa bàn tỉnh về năm 2020. Ngay từ đầu năm, dịch COVID-19 đã khiến các DN hoạt động ở hầu hết các các lĩnh vực từ kinh doanh - thương mại, dịch vụ đến sản xuất công nghiệp lao đao. Ngay cả các DN có quy mô lớn, chủ lực của tỉnh như may, cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị điện tử... cũng không nằm ngoài sự tác động này. DN phải đối mặt với khó khăn kép do khan hiếm nguyên phụ liệu sản xuất và sụt giảm từ phía thị trường tiêu thụ. Do đó, những tháng đầu năm, các DN đa phần phải duy trì sản xuất cầm chừng, cho công nhân làm việc luân phiên kết hợp với phòng, chống dịch.
Bà Bạch Thị Tình, Phó Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh thông tin: “Giai đoạn 2015-2020 là khoảng thời gian ngành công nghiệp của tỉnh có những bước phát triển vượt bậc. Hầu hết DN có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, ở nửa cuối nhiệm kỳ 2015-2020, một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí vận tải, vật liệu xây dựng... gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị bão hòa. Cùng với khó khăn nội tại, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều DN trở nên lao đao.
Trước thực trạng đó, cùng với những giải pháp tình thế, Chính phủ đã triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời như: Giãn thời hạn đóng thuế, giảm giá, hỗ trợ tiền điện sản xuất; giảm lãi suất vay ngân hàng... để giúp các DN từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty TNHH RFTech (Khu công nghiệp Điềm Thụy) vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất.
Tìm “cơ” trong “nguy”
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thế nhưng, các DN trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực tìm giải pháp khắc phục như: Cơ cấu hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần tiêu thụ... Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ: Ngay từ đầu dịch COVID-19, nhận thấy cơn sốt về sản phẩm khẩu trang của thị trường, Công ty đã khẩn trương chuyển hướng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và bộ đồ y tế phòng dịch. Bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Việt Nam, Công ty lại tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp, 5 lớp (KN95) kết hợp với đẩy mạnh sản xuất quần áo bảo hộ phòng dịch xuất khẩu. Với sự nỗ lực đó, TNG giữ được đà tăng trưởng. Đến cuối năm 2020, doanh thu Công ty ước đạt 705 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Tương tự đối với Công ty May xuất khẩu Vina Garment (đứng chân trên địa bàn xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên). Ngay từ đầu năm 2020, nhận thấy khó khăn và nhu cầu lớn về các sản phẩm quần áo y tế xuất khẩu, Công ty đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang xuất sang các nước châu Âu. Ông Ngô Quang Phúc, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Vina Garment cho hay: Để có lợi nhuận cao, sản phẩm của Công ty được sản xuất tự chủ từ nguyên liệu, đến thương hiệu sản phẩm; đạt IQC và Test của Viện nghiên cứu dệt may. Thời gian qua, Công ty sản xuất và tiêu thụ từ 600-700 nghìn khẩu trang/tháng. Doanh thu năm 2020 đạt 119% so với kế hoạch.
Trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVIDs-19 với những khó khăn gặp phải, tuy vậy vẫn có những DN mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm phục vụ khi thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại vào thời điểm cuối năm. Ví như Công ty CP Đúc Thái Nguyên ở Cụm công nghiệp Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) đã đầu tư thêm một dây chuyền đúc khuôn cát tươi tự động nhập khẩu từ Hàn Quốc, trị giá trên 100 tỷ đồng; góp phần nâng công suất của Nhà máy lên 10.000 tấn sản phẩm/năm (tăng gấp 5 lần so với hiện tại) và giảm được từ 3-5 công nhân so với dây chuyền bán thủ công.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty nói: Ngay sau khi hoàn tất lắp đặt dây chuyền, các đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc đã tăng lên hơn 100 tấn/tháng. Tính đến hết năm 2020, doanh thu Công ty đạt trên 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 50 người lao động, với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Tương tự Công ty TNHH KH Heat Technology Thái Nguyên, cuối năm 2020, Công ty đã đầu tư các dây chuyền sản xuất sản phẩm cơ khí mới (trục máy cẩu, máy xúc, bánh nhông của xe máy điện) nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ bên cạnh lĩnh vực gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam xe máy…
Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương: Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, trong năm qua, ngành Công Thương đã tích cực triển khai các giải pháp về hỗ trợ DN như: Triển khai thực hiện đề án khuyến công nhằm hỗ trợ nguồn kinh phí cho DN đầu tư máy móc mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất; hỗ trợ các DN tiếp cận các thông tin của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu; tổ chức đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Theo đó, tính hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, tuy chỉ bằng 97,5% kế hoạch năm nhưng trong bối cảnh các DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì đây là một sự nỗ lực rất lớn.