Tăng trưởng kinh tế năm 2020: Không cao nhưng ấn tượng

09:19, 01/01/2021

Có thể dùng từ “ấn tượng” để nói về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm nay của tỉnh dù chỉ đạt 4,18% (dự ước), thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch 7,3% và trung bình 5 năm qua là 10,47%/năm. Yếu tố chính tạo sự khác biệt lớn trong việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay so với mọi năm là sự xuất hiện của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, mức độ nguy hiểm được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, nước ta đã khống chế và kiểm soát thành công 2 đợt dịch xâm nhập. Tuy nhiên, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải tạm dừng, hủy hoặc thu hẹp quy mô, tiêu thụ hàng hóa giảm sút, sản xuất – kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ngưng trệ, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập giảm sâu… Đến thời điểm này, có thể nói, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Trong khi rất nhiều nước tăng trưởng âm hoặc không đáng kể thì nước ta đạt mức tăng trưởng dự ước năm nay khoảng 3%.

Xét từ tình hình chung đó, chúng ta có thể thấy rõ hơn kết quả tăng trưởng 4,18% của tỉnh trong năm nay là điều tích cực. Trong phạm vi khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên năm 2020 đứng thứ 4/10 tỉnh, thành phố vùng Thủ đô (sau Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nam), đứng thứ 7/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Theo ước tính của ngành Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm nay của tỉnh Bắc Ninh đạt trên 1%, Vĩnh Phúc đạt trên 2%, Hải Dương trên 3% và Hà Nội gần 4%... Đó là những địa phương có quy mô nền kinh tế lớn và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp, dịch vụ như Thái Nguyên.

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,4% là động lực rất quan trọng giúp tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,18%. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy tại Công ty Diesel Sông Công.

 Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng: Con số tăng trưởng 4,18% GRDP của tỉnh trong năm nay dù thấp hơn nhiều so với kế hoạch và trung bình các năm nhưng vẫn rất tích cực khi đặt vào bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Giai đoạn 6 tháng đầu năm, tỉnh chỉ đạt tăng trưởng hơn 2% nhưng 6 tháng cuối năm đạt trên 5%, điều đó cho thấy kinh tế có sự phục hồi khá nhanh sau khi dịch bệnh được khống chế. Thể hiện sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của tỉnh trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cùng với tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực, cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản xuống chỉ còn 11,3%); quy mô và năng lực sản xuất của tất cả các ngành đều tăng (năm nay, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh tính theo giá hiện hành ước đạt gần 116.000 tỷ đồng, gấp 1,82 lần so với năm 2015)…

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh năm 2020 ước đạt 14.018 tỷ đồng, tăng 3,94% so với năm trước, góp phần quan trọng giữ ổn định kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân. Trong ảnh: Mô hình kinh tế tổng hợp của thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch Tràng Xá (Võ Nhai).

Lĩnh vực công nghiệp, “đầu tầu” tăng trưởng của tỉnh, vì đã hội nhập sâu rộng nên bị ảnh hưởng rất nặng từ những tác động tiêu cực của dịch COVD-19 ở cả trong và ngoài nước, nhưng giá trị sản xuất năm nay vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ, ước đạt 783,6 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Ở nửa đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm tới 3,2% so với cùng kỳ (là năm duy nhất trong 10 năm trở lại đây có giá trị công nghiệp 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ), tuy nhiên lĩnh vực này hồi phục mạnh ở nửa cuối năm và lấy lại đà tăng trưởng dù chưa đạt như kỳ vọng. Công nghiệp phục hồi và đạt mức tăng khá là yếu tố rất quan trọng để tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 4,18%, bởi tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng hiện chiếm 88,7% trong cơ cấu kinh tế.

Tuy tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch bệnh nhưng kinh tế của tỉnh vẫn bộc lộ không ít hạn chế, khó khăn như: Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế (từ đầu năm đến hết tháng 10 có 502 doanh nghiệp đóng mã số thuế và 400 doanh nghiệp ngừng hoạt động, cao hơn cùng kỳ 137 doanh nghiệp); kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất phụ thuộc lớn vào nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu…

Năm 2021, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% (mục tiêu của cả nhiệm kỳ là 8%/năm trở lên), trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 7,3%, dịch vụ tăng 7,3% và nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4%. Ông La Hồng Ninh cho biết: Dù xây dựng dựa trên giả thiết dịch COVID-19 được khống chế tốt như hiện nay nhưng chỉ tiêu tăng trưởng 7% trong năm tới là khá cao, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tôi tin tỉnh sẽ đạt được mục tiêu đó bởi chúng ta còn dư địa tăng trưởng và nền kinh tế đang trên đà phục hồi tốt.

Kết quả (dự ước) một số chỉ tiêu chính về kinh tế của Thái Nguyên năm 2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,18%; tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đạt 88,7 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,4%; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 26,7 tỷ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 15.555 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,94%...