Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp

08:06, 30/01/2021

Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và thay thế Luật DN năm 2014. Theo nhận định, đánh giá của đại diện một số DN trên địa bàn tỉnh, Luật DN năm 2020 có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung hợp lý, được kỳ vọng là bước đột phá về tạo thuận lợi, mang đến cho các DN nhiều cơ hội mới trong quá trình hoạt động và phát triển.  

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 được Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức mới đây, đồng chí Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã thông tin về một số điểm nổi bật của Luật DN năm 2020. Theo đó, Luật DN năm 2020 ra đời nhằm mục tiêu tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, an toàn hơn nữa cho việc thành lập và hoạt động của các DN với 5 cải cách quan trọng: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập DN; cải thiện khung khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế; nâng cao hiệu lực quản trị của DN có sở hữu Nhà nước…

Những điểm nổi bật nêu trên của Luật DN năm 2020 nhận được sự đánh giá tích cực từ phía cộng đồng DN, trong đó có các DN trên địa bàn tỉnh. Là hộ gia đình chuyên gia công cơ khí, cắt gọt kim loại và đang có ý định chuyển đổi từ mô hình kinh doanh hộ gia đình sang lập DN, ông Đỗ Minh Tuấn ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Qua tìm hiểu Luật DN năm 2020, tôi thấy việc đăng ký kinh doanh trở nên dễ dàng hơn khi có hệ thống đăng ký kinh doanh hoàn toàn qua mạng hoặc đăng ký qua dịch vụ bưu chính. Ngoài ra, theo quy định mới thì DN được tự mình làm con dấu, trao toàn bộ quyền cho DN và bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan chức năng (trong khi luật cũ quy định dấu DN là do cơ quan công an cấp).

Còn ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại Thép Việt Cường (T.X Phổ Yên) tâm đắc: Hiện nay, quy định mới đã bỏ thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông. Cụ thể là nếu trước đây cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục từ 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo điều lệ của Công ty thì mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của DN. Tuy nhiên quy định mới đã được xóa bỏ thời hạn này. Qua đó, nâng cao việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông, khả năng quản trị DN. Ngoài ra, Luật DN năm 2020 cũng đã cắt giảm đáng kể một số thủ tục, ví như việc tạm dừng kinh doanh DN chỉ cần làm thủ tục trước 3 ngày, giảm tới 12 ngày so với quy định tại Luật DN năm 2014. Còn ông Nguyễn Xuân Hậu, Giám đốc DN Tư nhân Hậu Thủy (huyện Định Hóa) cho biết: Để tạo điều kiện cho mô hình DN tư nhân mở rộng quy mô phát triển theo các hình thức đối vốn, Luật DN năm 2020 đã cho phép DN tư nhân được phép chuyển đổi thành các mô hình DN khác như công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ DN nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.  

Thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc thành lập doanh nghiệp sẽ tiếp tục được cắt giảm các thủ tục hành chính. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một siêu thị điện máy trên địa bàn T.P Thái Nguyên.  Ảnh: N.H

Bà Hà Thị Tuyết, đại diện Ban Pháp chế (Hiệp hội DN tỉnh) đánh giá: Am hiểu Luật DN năm 2020 sẽ giúp cho các DN giảm thiểu rủi ro, tạo sự ổn định cho công ty. Theo đó, một số thay đổi căn bản mà các DN cần phải lưu ý như: Sửa đổi khái niệm DN Nhà nước để xác định rõ DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ với DN mà Nhà nước sở hữu 50% vốn điều lệ để có cách thức, phương thức quản lý, giám sát phù hợp; Luật DN năm 2020 đã mở rộng thêm đối tượng không được thành lập DN; bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông trong mô hình Công ty CP; thêm trường hợp đối chấm dứt đối với thành viên trong công ty hợp danh.... Về phía quản lý Nhà nước, qua trao đổi với đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, chúng tôi được biết, để bảo đảm những quy định mới của Luật DN năm 2020 được triển khai trong thực tế, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 về đăng ký DN.

Theo đó, Nghị định đã quy định rõ, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký DN, cắt giảm thành phần hồ sơ, bãi bỏ một số thủ tục (công bố con dấu, chào bán cổ phần riêng lẻ, thông tin người quản lý DN...); bổ sung thêm một cộng đồng DN mới thực hiện đăng ký DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty đầu tư chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019); hoàn thiện một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh như xác định rõ chủ thể thành lập DN phù hợp với Bộ luật dân sự, phân tích rõ quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ gia đình, quy định tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh DN...

Có thể thấy, Luật DN năm 2020 được ban hành và có hiệu lực góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập và mở rộng hoạt động của DN. Tuy nhiên, để Luật được triển khai sâu rộng, hiệu quả trong đời sống, cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật thì người dân và các DN cần tích cực chủ động tự trang bị kiến thức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho DN.