Công xưởng không thể ngừng hoạt động – mệnh lệnh đó trong bối cảnh dịch bệnh cũng giống như hình ảnh “tay cày, tay súng” trong mưa bom bão đạn.
Lại một cái Tết không trọn vẹn trôi qua khi dịch bệnh với những diễn biến phức tạp đã chính thức quay trở lại. Có người gọi đó là làn sóng COVID-19 thứ 3 xuất hiện ở Việt Nam với ổ dịch lớn nhất ở tỉnh Hải Dương và lây lan hơn 10 tỉnh, thành trong cả nước.
Không tham dự Lễ hội xuân, không thể cùng nhân dân trồng cây gây rừng hay xuống đồng cày cấy, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà lãnh đạo, từ Chính phủ cho đến các địa phương đã coi chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một. Kể từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam ngày 23/1/2020, hơn 1 năm qua, mọi thứ đã không còn đi theo quy luật thông thường.
Lần thứ hai, Chính phủ chủ trì họp ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Thông điệp được đưa ra là: Quyết liệt chống dịch, đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu và sản xuất vaccine. Song song đó, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định: Dù chống dịch nhưng công xưởng không thể ngừng hoạt động, nghĩa là tiếp tục duy trì mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế, không được để mọi thứ đi vào tê liệt, bế tắc.
Chống dịch như “chống giặc”, sức khỏe và tính mạng người dân là mục tiêu tối thượng, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch… phương châm đó không thay đổi nhưng chắc chắn, giờ đây, từ Chính phủ cho đến mỗi người dân, tâm thế đã khác, không quá lo lắng như giai đoạn đầu. Chúng ta đã bình tĩnh hơn, có kinh nghiệm hơn.
Năm 2020 khép lại, Việt Nam- quốc gia hơn 100 triệu dân, lại ở không xa tâm dịch Vũ Hán được thế giới ca ngợi với mô hình chống dịch hiệu quả. Dù nguồn lực có hạn, chúng ta đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, trở thành một trong số ít ỏi các quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương. Tự hào với thành quả đạt được nhưng chúng ta không “ngủ quên” trên chiến thắng. Chúng ta hạn chế tối đa những tác động không mong muốn của Covid-19 nhưng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật: Mức tăng trưởng 2,91% là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Hậu quả của COVID-19 không chỉ khiến nhiều tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm mà nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể gượng dậy.
COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm nhưng Chính phủ vẫn kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 6,5%, và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế.
Để biến mục tiêu thành hiện thực, không có cách nào khác là phải cố gắng bằng hai, bằng ba năm trước. Chúng ta quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được. Chắc chắn là như vậy.
Năm 2020, không ít lần, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ thái độ sốt ruột về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong bối cảnh nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Kết quả là, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt cao nhất trong 5 năm qua, trở thành cú hích đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và được đánh giá là "cửa" sáng nhất trong các "mũi giáp công" mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra để hồi phục nền kinh tế.
Công xưởng không thể ngừng hoạt động – mệnh lệnh đó trong bối cảnh dịch bệnh cũng giống như hình ảnh “tay cày, tay súng” trong mưa bom bão đạn. Chúng ta vừa đoàn kết chống dịch nhưng chúng ta vẫn phải duy trì cuộc sống, bảo đảm “sức khỏe” của nền kinh tế. Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, chúng ta phải bắt tay ngay vào việc triển khai Nghị quyết của Đảng và các chương trình hành động của Chính phủ.
Tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Chính phủ đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa.
Trong thời khắc thiêng liêng nhất của năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ca ngợi tinh thần tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 có hiệu quả, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Giờ đây, trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng của đại dịch, những khó khăn đang đợi chờ chúng ta ở phía trước, chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn nữa. Sẽ không có chỗ cho những dông dài, đủng đỉnh như thường thấy những ngày đầu Xuân. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, Thường trực Chính phủ đã không cho phép mình nghỉ ngơi trọn vẹn. Nông dân đã ra đồng từ mùng 2, mùng 3, nhiều ngư dân đi biển xuyên Tết để có mẻ cá đầy... Và lẽ tất nhiên, các công xưởng cũng sẽ hối hả trở lại nhịp điệu cũ, tất nhiên là phòng dịch ở mức cao nhất.
Nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa. Chúng ta sẽ biến thách thức thành cơ hội ngay từ những tháng đầu, ngày đầu năm mới âm lịch để rồi, mọi cố gắng sẽ lại đơm hoa kết trái như chúng ta đã từng có./.