Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo

15:37, 26/02/2021

Chia sẻ về kinh nghiệm xóa giảm nghèo bền vững, chị Đào Hạnh Nguyên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội T. P Thái Nguyên cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đặc biệt là việc đào tạo, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, đồng thời thông qua các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức đào tạo nghề và triển khai các dự án phát triển kinh tế phù hợp, nên số hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thành phố giảm nhanh: từ gần 2.400 hộ năm 2017, giảm xuống còn 1.300 hộ năm 2020.

Để chủ trương xóa giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của thành phố hằng năm được kiện toàn, chủ động xây dựng được kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu của đề án giảm nghèo của từng năm và cả giai đoạn. Quá trình triển khai thực hiện được kiểm tra, giám sát thường xuyên, nên Ban Chỉ đạo nắm bắt chính xác về tình hình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo ở từng cơ sở. Từ đó điều chỉnh kế hoạch thực hiện phù hợp, tạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi với các chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của Nhà nước. Theo số liệu tống hợp của UBND thành phố: Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai tại 32 xã, phường đạt hơn 50 tỷ đồng, trong đó hơn 18 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và của tỉnh; 21 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, còn lại vốn nhân dân đối ứng.
 
Để việc xóa, giàm nghèo trở thành một phong trào lớn, rộng khắp, thành phố luôn coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo. Trong 5 năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tổ chức 28 hội nghị, tuyên truyền, đối thoại chính sách giảm nghèo. Hơn 2.500 lượt người tham gia là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đã thoát nghèo và các ông bà là tổ trưởng dân phố, xóm trưởng; trưởng ban công tác mặt trận. Nhờ đó nhiều người nghèo, người cận nghèo thay đổi được tư duy, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, mà đã tự cố gắng vươn lên, trở thành hộ có kinh tế khá giả tại địa phương.
 
Ông Vũ La Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa giảm nghèo bền vững Hội thường xuyên phối cùng các ngành chức năng tổ chức mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; tổ chức cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề. Bình quân có 145 hội nghị tập huấn/năm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, với hơn 9.000 lượt người tham gia... Một thông tin vui là từ nhiều năm gần đây, 100% số hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo thuận lợi cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong 5 năm gần đây, thành phố có 1.128 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng doanh số cho vay gần 48 tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố hỗ trợ kinh phí vào quỹ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, tổng kinh phí đạt hơn 7,3 tỷ đồng. Để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, từ năm 2016 đến hết năm 2020, thành phố đã hỗ trợ về nhà ở cho hơn 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo,với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,4 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho 146 hộ làm nhà ở mới; hơn 480 hộ sửa chữa nhà ở.
 
Các nhu cầu về nhà ở, vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật sản xuất và các dự án, mô hình phát triển kinh tế mới, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện địa phương được triển khai thực hiện kịp thời được ví như chiếc phao cứu sinh giúp nhiều người vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình bà Lương Thị Phương, xóm Toàn Thắng (Đồng Liên). Từ sau tham gia lớp đào tạo nghề về chăn nuôi thú y, năm 2013, gia đình bà mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thả đồi với quy mô 8.000 con/lứa, đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Gia đình ông Miêu Văn Tân, xóm Táo (Sơn Cẩm), năm 2015, nhờ tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y được tổ chức tại xã, ông thấy tự tin hơn trong phát triển chăn nuôi gia cầm, nên mạnh dạn nâng tổng đàn vật nuôi từ 1.000 con gà/lứa lên 6.000 con/lứa, đạt thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Mỗi người một cách làm, ví như ông Vũ Văn Sơn, xóm Trám (Huống Thượng) gắn bó với nghề gia công cơ khí, đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Với ông Nguyễn Ngọc Chuyển, tổ 12 (phường Tân Thành) gắn bó với nghề mộc, đạt thu nhập 250 triệu đồng/năm. Còn ông Nguyễn Văn Gắng, tổ 19 (Thịnh Đán) làm dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ và bán hàng tạp hóa, đạt thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/năm.
 
Cùng thời gian, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng nông thôn và trung tâm thành phố được rút ngắn lại. Đời sống của người dân nói chung được cải thiện, nâng cao, nhiều khu dân cư không còn hộ nghèo. Tuy nhiên ở các xã ven trung tâm thành phố chưa hẳn đã hết khó khăn, cũng bởi thế mà người dân tiếp tục nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước trong phát triển kinh tế. Cụ thể là các dự án, các mô hình sản xuất đã và đang được triển khai, như Dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 3 xã Sơn Cẩm, Linh Sơn, Huống Thượng được triển khai năm 2018, với tổng kinh phí hơn 577 triệu đồng; mô hình trồng trám tại 2 xã Phúc Hà và Phúc Trìu, với tổng kinh phí 190 triệu đồng được triển khai năm 2019; mô hình nuôi gà Ri lai an toàn sinh học và nuôi gà Hồ lai thương phẩm thả vườn tại 6 xã: Cao Ngạn, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Hà, Thịnh Đức, Tân Cương, với tổng kinh phí hơn 342 triệu đồng được triển khai năm 2020. Tuy các dự án, các mô hình mới triển khai, nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đang từng bước được nhân rộng tại địa phương.
 
Chị Nguyên cho biết thêm: Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố Thái Nguyên tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế VAC, như: mô hình chăn nuôi bò sinh sản; mô hình trồng chè chất lượng cao; mô hình vay vốn tín dụng để chăn nuôi, mua giống cây trồng… Phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,9%; hộ cận nghèo xuống còn 1,0%.