Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán do hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Năm 2020, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam ghi nhận đạt mức xuất khẩu với khối lượng lớn (6,15 triệu tấn), đạt 3,07 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019.
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, trong năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2020 đạt 2,22 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 41,5% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36%; gạo nếp chiếm 18,1%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Bước sang tháng 1/2021, thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng đầu tiên của năm 2021 ước đạt 280 nghìn tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, trong tháng, giá gạo Việt Nam ghi nhận tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng.
Mặc dù trong tháng 1/2021, lượng gạo xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán do hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan./.