Những năm qua, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) trong chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, góp phần gia tăng năng suất, chất lượng nông sản, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Có kinh nghiệm nuôi gà hơn 20 năm, song trước đây, việc chăn nuôi chỉ đảm bảo cho gia đình anh Nguyễn Văn Hảo, ở xóm Ngọc Tiến, xã Phục Linh đủ ăn chứ không làm giàu. Từ khi anh áp dụng kỹ năng phối giống cho gà bằng phương thức thụ tinh nhân tạo, thu nhập tăng lên gấp nhiều lần. Anh Hảo chia sẻ: Nếu nuôi gà đẻ lấy giống theo truyền thống thì cứ 1.000 gà mái phải cần tới trên 120 con gà trống.
Nhưng nếu áp dụng thụ tinh nhân tạo thì chỉ cần 25 gà trống/1.000 gà mái nhưng tỷ lệ trứng đẻ ra đạt tới trên 97% (tăng khoảng 70% so với phương pháp truyền thống). Nhờ vậy, tiết kiệm được đáng kể công chăn nuôi mà hiệu quả lại cao hơn hẳn. Hơn nữa, ưu điểm của phương pháp này đó là người chăn nuôi chủ động được việc chọn giống, tận dụng được nguồn gà bố mẹ tốt, thuần chủng, được thị trường ưa chuộng.
Với 5.000 gà sinh sản, trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán khoảng 55.000-60.000 con gà giống cho thị trường trong và ngoài huyện, cho thu nhập khoảng 240 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua lò ấp trứng, xây dựng chuồng trại khép kín, nhờ đó có thể kiểm soát được dịch bệnh, quản lý được lượng thức ăn hàng ngày, đảm bảo việc chăn nuôi khoa học và hiệu quả.
Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi khác ở huyện Đại Từ cũng đã có nhiều đổi mới trong sản xuất. Thay vì sử dụng phương pháp chăn nuôi truyền thống, nhiều người dân đã tích cực ứng dụng KHKT từ khâu chọn giống cho tới khâu chăm sóc. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 7.400 con trâu, gần 1.400 con bò, trên 65.500 con lợn và gần 1.700.000 con gà. Hiện tại, chăn nuôi chiếm gần 40% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.
Không chỉ trong chăn nuôi, việc ứng dụng KHKT trong trồng trọt cũng đã và đang tạo được dấu ấn nhất định trong bức tranh sản xuất nông nghiệp chung của huyện. Với 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP năm 2020 cùng hàng trăm tấn nấm khô xuất bán sang các thị trường nước ngoài mỗi năm, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn đang khẳng định hiệu quả của sản xuất nông nghiệp khi có ứng dụng khoa học công nghệ.
Bà Trần Thị Thanh Hoa, đại diện của Công ty cho biết: Để có được những sản phẩm chất lượng, chúng tôi đã áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại mang tính tự động cao từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống trong phòng thí nghiệm đến khi sản phẩm có mặt trên thị trường. Năm 2020, doanh thu của đơn vị đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Đối với cây trồng chủ lực là cây chè, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống, vận động bà con trồng mới, trồng thay thế bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Năm 2020, toàn huyện có gần 220ha chè trồng mới, trồng thay thế. Cùng với đó, huyện cũng xây dựng các mô hình ứng dụng KHKT mới trong phát triển cây chè như sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống tưới chè tiết kiệm...
Trong 4 năm (2016-2020), huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm với tổng diện tích hơn 500ha cho trên 2.200 hộ dân với tổng kinh phí hơn 11,6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ 20 hệ thống máy sao chè bằng ga cho 13 HTX và hộ sản xuất chè tại các xã với tổng kinh phí đầu tư lắp đặt trên 2,8 tỷ đồng. Đối với các loại cây trồng khác như: Rau, lúa, cây ăn quả các loại… cũng đều được bà con áp dụng KHKT vào sản xuất. Năm 2020, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 126,6 triệu đồng/ha, tăng 22,5 triệu đồng/ha so với năm 2016.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó, ứng dụng tiến bộ KHKT được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình điểm để bà con học tập, giới thiệu các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao. Qua đó, gia tăng hàm lượng KHKT trong sản phẩm nông nghiệp, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương…