Hiện thực giấc mơ số hóa

09:05, 10/02/2021

Thái Nguyên đã hiện thực hóa giấc mơ kết nối giao thông với Thủ đô, trở thành thủ phủ công nghiệp và thủ phủ du lịch lịch sử. Giờ đây, tỉnh ta có thêm giấc mơ trở thành trung tâm chuyển đổi số khu vực trung du miền núi phía Bắc. Chuyển đổi số thành công, Thái Nguyên sẽ trở thành biểu tượng về hiện thực hóa những giấc mơ và tạo động lực cho các địa phương khác.

Đổi mới từ tư duy

Trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi địa phương và đất nước. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Với sự phát triển của công nghệ số, nếu tổ chức, cá nhân, quốc gia nào không thay đổi thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Và một nền kinh tế đang phát triển như ở nước ta thì đây dường như là cơ hội cuối cùng để chúng ta đi tắt, đón đầu, bứt phá, vươn lên sánh vai với các nước có nền kinh tế phát triển trong vài thập niên tới.

 Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người lầm tưởng chuyển đổi số là số hóa toàn bộ quy trình vận hành và tổ chức thực hiện của một tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị hay đánh đồng chuyển đổi số với chuyển đổi công nghệ, cho rằng chuyển đổi số chỉ cần có công nghệ là đủ… Nhiều người còn băn khoăn trước câu hỏi tổ chức, địa phương mình chuyển đổi số bắt đầu từ đâu? Và thực hiện chuyển đổi số như thế nào? Như vậy, rõ ràng để thực hiện chuyển đổi số thành công trước tiên phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức của chúng ta.

Trước hết là tư duy của người đứng đầu, tư duy của cán bộ, CCVC và nhân dân. Chuyển đổi số sẽ không thể diễn ra nếu chính mỗi chúng ta không “chuyển đổi nhận thức”, thay đổi thói quen; thay đổi tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh đến nâng cao kỹ năng, năng lực số của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp Thái Nguyên hiện thực nhiều giấc mơ, giấc mơ này tiếp nối giấc mơ khác.” Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tư duy của lãnh đạo tỉnh là rất rõ ràng bằng việc ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Để triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân trước hết phải nhận thức đây là việc làm cần thiết và cũng rất cấp thiết đối với địa phương, tổ chức và cá nhân. Nhất quán trong nhận thức chuyển đổi số bắt đầu từ chúng ta và hành động để hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc theo mục tiêu của Nghị quyết.

Đến hành động

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có những bước đi ban đầu rất tích cực. Hạ tầng viễn thông tương đối tốt, việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính qua mạng đạt 34,87%, tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 65,84% là tiền đề cho xây dựng chính quyền số.

 Kinh tế số bước đầu có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh là những điều kiện rất thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số thành công. Hơn nữa, Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình có tổng diện tích 200ha là thế mạnh để tỉnh thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm về lĩnh vực CNTT đến triển khai dự án… Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế: Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô kinh tế số còn nhỏ, chuyển đổi số còn là vấn đề mới, đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế, xã hội…

Để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề để năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đòi hỏi từng cấp, ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

 Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ CCVC phải đi trước, dẫn đường, các doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức đây là vấn đề sống còn, là con đường duy nhất để phát triển. Nhân dân hiểu rõ chính quyền số sẽ đem đến sự phục vụ tốt nhất cho người dân; kinh tế số mở ra nhiều cơ hội để người dân nâng cao thu nhập và mức sống; xã hội số đem lại nhiều lợi ích mà ở đó người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng hướng đến. Và như vậy, chuyển đổi số trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân chứ không phải chỉ là công việc của chính quyền, doanh nghiệp.

 Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo điều kiện thực tiễn của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, CCVC về chuyển đổi số, tập trung chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở địa phương…

Với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ hiện thực hóa mục tiêu nghị quyết chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.