Cuối tháng Chạp, hương Xuân đã tràn ngập ở các bản làng vùng cao nơi mảnh đất Thái Nguyên với những cành đào nở bung khoe sắc thắm. Điểm tô cho vẻ đẹp nơi rẻo cao là những vườn cam, quýt, bưởi trĩu trịt những quả vàng ruộm; là những cánh rừng mướt xanh vững trãi vươn mình trong mưa nắng, giá rét… Vậy là sau bao nỗ lực, người dân vùng cao đã chuyển đổi thành công nhiều loại giống cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao hơn và cuộc sống của bà con cũng bởi thế được ấm no, hạnh phúc hơn.
Trồng cây mới trên đất cũ
Với người dân vùng cao, thành công có được là khi thu nhập của họ cao hơn sau khi mạnh dạn trồng cây mới trên đất cũ. Minh chứng sống động nhất chính là việc hơn 20 hộ người dân tộc Mông ở bản Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) đã chuyển đổi từ trồng cây ngô sang trồng cây na, nhãn, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng anh Dương Văn Sình, Trưởng bản Trung Sơn đi tham quan những vườn cây ăn quả, chúng tôi nhận thấy những gốc na, nhãn đã được bà con bón phân, vun gốc để chuẩn bị đón hoa vào tháng 2, tháng 3 tới. Đưa tay chỉ về phía vạt rừng trồng bạt ngàn na, nhãn ở trước mặt, anh Sình cho hay: 5 năm trước, những bãi đất kia chỉ trồng toàn ngô là ngô. Mùa Đông, không có mưa, những bãi đất ấy vẫn để trống đợi mùa Xuân, mưa xuống mới tra hạt trồng ngô…
Chia sẻ về những ngày đầu người dân Trung Sơn đưa cây mới về trồng trên đất cũ, đôi mắt người trưởng bản ấy sáng như “ánh sao”. Theo anh, nhờ lợi thế nằm giáp danh với “vựa” na, “vựa” cây ăn quả của tỉnh (xã La Hiên, Võ Nhai), người Mông nơi đây đã rất chăm chỉ học hỏi “hàng xóm” cách trồng, chăm sóc những loại cây trồng mới này.
Bởi thế chỉ sau 4 năm, bà con đã biến những vạt rừng trồng ngô đã bạc màu thành những nương na, ổi, bưởi, nhãn sum xuê. Hiện nay, hộ ít trong xóm cũng có khoảng 200 cây ăn quả (chủ yếu là na), nhà nhiều có đến 5.000 cây. Nhiều hộ dân như gia đình anh Dương Văn Sình, Lý Văn Nó… có thu nhập từ 50 đến 250 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả…
Không riêng gì Trung Sơn, nhiều hộ dân ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) cũng đã có nguồn thu nhập khá cao khi mạnh dạn đưa những loại cây mới vào trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả. Điển hình là gia đình chị Trần Thị Thau, nhờ chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ổi (năm 2017), đến nay, đã có nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm…
Các hộ dân ở bản Mông Trung Sơn, xóm Phượng Hoàng… chính là những con người đã mang đến luồng sinh khí mới cho các xã nơi rẻo cao của Thái Nguyên khát vọng vươn lên chinh phục đồng đất quê hương, làm giàu chính đáng. Nhờ có những con người như thế, đến nay, Thái Nguyên đã trồng được 22 loại cây ăn quả trên diện tích 15.800ha, sản lượng 96.800 tấn, tăng 3.861 tấn so với năm 2015. Đặc biệt, nhiều huyện miền núi, vùng cao đã hình thành được những khu trồng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa như: Văn Hán, Nam Hòa (Đồng Hỷ); La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xã… (Võ Nhai); Quân Chu (Đại Từ)…
Thử sức với các giống cây “lạ”
Không chỉ “mạnh tay” trồng những giống cây mới trên đất cũ, nhiều nông dân ở vùng cao của Thái Nguyên còn thử sức với những giống cây “lạ”. Đơn cử như gia đình bà Từ Thị Hồ, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Ngoài trồng 1ha rừng, 200 cây ổi, khoảng 50 gốc bưởi Diễn, 100 cây quất (lấy quả), bà còn trồng các loại rau rừng (bò khai, lủi) dưới tán cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập khá cao (200 triệu đồng/năm).
Bà cho hay: Nhận thấy thị trường ngày càng ưa chuộng các loại rau “lạ”, đảm bảo đủ các yếu tố ngon, bổ, “sạch”, nên hơn 3 năm trước, tôi đã đầu tư trồng thêm cây rau bồ khai. Tôi rất hài lòng khi loại cây này không phải chăm sóc cầu kỳ, nhanh cho thu hoạch, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Trung bình mỗi năm, tôi thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ rau bò khai.
Từ tháng 8 năm 2019 đến nay, bà Hồ còn trồng mới thêm gần 3 sào rau lủi lấy giống từ tỉnh Gia Lai. Đây là loại rau dại vốn mọc hoang dã, ngon, thơm và tốt cho sức khỏe nên rất được khách hàng ưa chuộng, nhất là khách hàng ở Hà Nội. Hiện nay, gia đình bà đang bán rau với giá 20 nghìn đồng/kg. Riêng năm 2020, bà thu được khoảng 20 triệu từ loại rau này…
Gia đình bà Từ Thị Hồ với 50 gốc bưởi diễn và nhiều loại cây ăn quả khác đã cho nguồn thu nhập khá.
Cũng với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2019, ông Hoàng Văn Thắng, xóm Đồng Đình, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) bắt đầu đưa cây hoa thiên lý về trồng. Đến nay, chỉ sau hơn một năm đầu tư, loại cây “lạ” này đã khẳng định được tính hiệu quả khi giá bán hoa thiên lý (dùng để xào, nấu canh…) luôn dao động ở mức trên dưới 45 nghìn đồng/kg và đầu ra rất thuận lợi. Hiện, gia đình ông đã chuyển hơn 1 mẫu đất sang trồng loại cây “độc và lạ” này. Dự kiến khi toàn bộ diện tích thiên lý cho thu hoạch (1 năm 2 lứa hoa, mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 30 triệu đồng/sào, gấp hàng chục lần so với cấy lúa).
Đi và cảm nhận, chúng tôi càng hiểu và trân trọng hơn bởi hành trình tìm hướng đi mới của người dân vùng cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, đã góp phần tạo nên diện mạo và sức sống mới ở các xã nơi rẻo cao.
Thay vì tập quán canh tác lạc hậu, trồng giống cũ, kém hiệu quả, đồng bào đã chuyển sang trồng giống mới, thay đổi cả phương thức thâm canh, chọn lựa cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đầu tư giống, vốn, kỹ thuật để đem lại thu nhập cao, bền vững. Từ chuyển đổi cây trồng đã mang đến cho vùng cao nhiều khởi sắc, đời sống bà con được cải thiện, tạo đà phát triển văn hóa, xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương…