Mỏ cát sỏi xóm Dinh A, xã Nga My và xóm Đồng Ngọc, xã Hà Châu (Phú Bình) là mỏ đầu tiên tại tỉnh được đấu giá quyền khai thác vào năm 2015. Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty CP Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội, được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác vào tháng 7-2017. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể khai thác, tiến thoái lưỡng nan và chịu nhiều thiệt hại vì người dân chưa đồng thuận.
Theo giấy phép, Công ty CP Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội (gọi tắt là Công ty) được khai thác trên diện tích 29,3ha, trữ lượng xấp xỉ 700 nghìn m3 cát sỏi, thời hạn khai thác 10 năm. Phạm vi mỏ cấp cho Công ty bao gồm phần lớn một dải bãi bồi ven sông Cầu (soi Vạt), nơi người dân thuộc nhiều xóm của xã Nga My và xã Hà Châu cùng canh tác. Khu vực này nhiều năm trước bị “cát tặc” hoành hành thường xuyên khiến bờ sông và đất canh tác của người dân bị xói lở mạnh.
Để có thể tiến hành khai thác, cùng với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, nộp các loại thuế, phí theo quy định, Công ty phải thỏa thuận với những hộ dân có đất thuộc phạm vi mỏ bởi đây không thuộc dự án Nhà nước thu hồi đất. Đến cuối năm 2017, sau khi thỏa thuận với người dân được khoảng 7ha, Công ty triển khai máy móc, phương tiện đến mở đường, xây dựng cơ bản mỏ để chuẩn bị khai thác. Thấy vậy, nhiều người dân tập trung phản đối gay gắt. Tình trạng này sau đó tiếp tục lặp lại khiến Công ty buộc phải dừng mọi hoạt động tại mỏ từ đó đến nay.
Lý do người dân đưa ra khi ngăn cản doanh nghiệp là vì lo hoạt động khai thác sẽ làm xói lở đất canh tác, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và sụt lún đất ở của họ. Anh Nguyễn Văn Thiện, Trưởng xóm Chảy, xã Hà Châu, có khoảng 1 mẫu đất trong phạm vi mỏ, bày tỏ: Quá trình quy hoạch và cấp phép mỏ, người dân không biết. Chúng tôi lo ngại việc khai thác sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đến nơi ở và mất đất canh tác. Người dân mong muốn cơ quan chức năng xem xét chấm dứt dự án này.
Ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết: Dù Công ty đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, đã cam kết nhiều nội dụng nhưng phần lớn người dân vẫn không đồng tình. Xã đã vận động, tổ chức đối thoại, lãnh đạo huyện cũng đã đối thoại trực tiếp với người dân về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được những hộ dân liên quan đồng thuận. Gần đây, người dân vẫn có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri… Còn ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My nêu ý kiến: Điều tiên quyết là doanh nghiệp phải thỏa thuận được với người dân có đất, cam kết rõ để họ hiểu và yên tâm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp đã thiện chí và đang chịu thiệt hại, chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ.
Thời hạn cấp phép khai thác là 10 năm, đến nay đã gần 4 năm trôi qua, doanh nghiệp vẫn chưa thể khai thác. Ông Phan Văn Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nôi cho biết: Chúng tôi đã nộp các loại thuế, phí và tiền ký quỹ phục hồi môi trường khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể ủng hộ xây dựng một số công trình phúc lợi và đóng góp cho hoạt động của địa phương. Ngoài một tầu cuốc vẫn “đắp chiếu” nhiều năm qua, đơn vị còn phải cử lực lượng thường xuyên bảo vệ mỏ. Công ty cam kết thực hiện đúng phương án bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường, phương án chống sạt lở đã được phê duyệt nhưng người dân vẫn hoài nghi. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi trả lại mỏ thì thiệt hại lớn, còn tiếp tục chờ thì chưa biết khi nào có thể khai thác. Công ty mong muốn và đề nghị các cấp, ngành liên quan tích cực vào cuộc tháo gỡ vướng mắc…
Đề nghị của doanh nghiệp là chính đáng. Những mối lo ngại, tâm tư của người dân địa phương cũng cần được cơ quan chức năng tiếp thu, giải thích rõ ràng, thỏa đáng hơn. Thực trạng đó cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành để sớm có phương án giải quyết dứt điểm.