Những năm qua, huyện Phú Lương đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhờ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao.
Trước đây, Yên Lạc là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, đặc biệt các tuyến đường giao thông trên địa bàn đều là đường đất, thường bị lầy lội khi trời mưa. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, vùng đất Yên Lạc đã đổi thay từng ngày với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng. Nhân dân có điều kiện thuận lợi trong việc giao thương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ông Nghiêm Văn Ngọc, Bí thư Chi bộ xóm Hang Neo, xã Yên Lạc cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xóm được Nhà nước hỗ trợ "cứng hóa" trên 440m đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn với diện tích trên 100m2, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng nâng cao.
Hiện nay, nhờ tuyến đường trục xóm đã được "cứng hóa" nên việc đi lại của người dân xóm Hang Neo, xã Yên Lạc (Phú Lương) thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Cùng với Yên Lạc, diện mạo nông thôn ở các xã khác trong huyện cũng đã được “thay áo mới”. Trong đó, các tuyến đường giao thông được cứng hóa đồng bộ đến tận ngõ xóm chính là một trong những thành quả nổi bật nhất về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện những năm gần đây. Xác định mạng lưới giao thông là “huyết mạch” trong phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã linh hoạt phân bổ lồng ghép nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới với các nguồn vốn hỗ trợ khác của Trung ương và của tỉnh để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp 184km đường liên xã, trục xã (đạt 90,68%); làm mới 484km đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm (đạt 63%); 100% xã có đường nhựa từ trung tâm huyện đến trung tâm xã. Cùng với hạ tầng giao thông, việc huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông, lâm nghiệp cũng đạt kết quả cao. Trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phân bổ nguồn vốn ngân sách kết hợp với thu hút đầu tư và huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình thủy lợi. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 92 công trình thủy lợi và 30,49km kênh mương. Đến nay, các công trình thủy lợi bảo đảm chủ động nguồn nước tưới cho trên 6.600ha đất sản xuất nông nghiệp trong huyện...
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng kinh tế thì việc đầu tư cho phát triển hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa cũng được quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã phân bổ nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây mới 148 phòng học, phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên, học sinh; 189 công trình nhà văn hóa xã, xóm, sân thể thao; 3 trạm y tế xã… Qua đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu dạy học cũng như khám, chữa bệnh và sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
Bà Ma Thị Minh Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hợp Thành chia sẻ: Trước đây, cơ sở vật chất của nhà trường rất thiếu thốn, không đủ phòng học nên chúng tôi phải ghép lớp và tận dụng nhà làm việc của giáo viên để làm lớp học. Trung bình mỗi lớp có 40 đến 50 học sinh. Trước những khó khăn trên, vào năm 2018, Nhà trường đã được các cấp chính quyền quan tâm, phân bổ kinh phí với tổng số tiền khoảng 7 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà làm việc giáo viên, xây mới nhà ăn và dãy phòng học 2 tầng với đầy đủ trang thiết bị dạy học. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang nên thầy và trò trong Trường rất phấn khởi. Giờ đây, công tác dạy và học của nhà trường đã thuận lợi hơn nhiều và số lượng học sinh/lớp được bảo đảm theo quy định…
Từ thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Phú Lương đã có chuyển biến tích cực, nhiều dự án trọng điểm, công trình phúc lợi xã hội được hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả cao. Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn được phân bổ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện là trên 610 tỷ đồng, trong đó có trên 560 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách Nhà nước, còn lại là huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn vốn đầu tư được huyện quản lý, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, từ đó góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%...
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát các dự án, từ đó ưu tiên đầu tư vốn cho các công trình cấp bách, trọng điểm nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm ngèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ xây dựng các công trình; chú trọng lựa chọn nhà thầu có năng lực, trách nhiệm để bảo đảm thi công đúng thời hạn quy định, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư…