Những ngày đầu năm mới, trong cái lạnh cắt da cắt thịt chúng tôi về với Linh Thông, một trong những xã xa xôi nhất của huyện Định Hóa. Điều đáng mừng là vùng đất còn nhiều khó khăn này đang dần “thay da, đổi thịt” nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
Dù đã đến Linh Thông nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng thấy nơi đây luôn có điều mới lạ. Lần này trở lại, trước mắt chúng tôi là những con đường bê tông mới làm rộng rãi uốn lượn theo các sườn núi, những ngôi nhà mới “mọc” lên giữa màu xanh bát ngát của đồi rừng, và cảm nhận rõ nhất là niềm vui hiển hiện trên gương mặt mỗi người dân. Không vui sao được vì vài năm trở lại đây, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của nhân dân, Linh Thông đã khoác lên mình tấm áo mới.
Ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã Linh Thông: Điểm nổi bật góp phần thay đổi cơ bản diện mao Linh Thông đó là việc huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng.. |
Ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã thông tin với chúng tôi thay lời chào: Từ năm 2017 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động trong dân đạt trên 10 tỷ đồng để xây mới, mở rộng hơn 20km đường liên xóm; trên 10 công trình hồ, đập thủy lợi, cầu cứng và các công trình trường học ở cả 3 cấp. Đặc biệt, khu tái định cư dành cho 32 hộ dân nằm trong vùng núi lở, nguy hiểm thuộc các xóm: Nà Chát, Nà Chú, Cốc Móc, Nà Mị và Làng Mới đã hoàn thành ngay trung tâm xã với những ngôi nhà cao tầng, nhà cấp 4 mang phong cách hiện đại, tạo nên điểm nhấn, như một góc phố nhỏ giữa mảnh đất bốn bề là núi này. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ, nhân dân được nâng cao, nên các công trình xây dựng triển khai tại địa phương đều được nhân dân đồng tình ủng hộ. Người dân đã hiến gần 18.000m2 đất, tài sản cây cối trên đất trị giá hơn 5 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi.
Nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế mới của người dân Linh Thông vài năm trở lại đây.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi với Chủ tịch xã Lưu Viết Viên, điều ấn tượng nhất là người dân Linh Thông đã thay đổi trong nếp nghĩ, bớt trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có tư duy mới trong phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện qua việc người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Những năm gần đây, bà con mạnh dạn đưa giống lúa mới vào canh tác, xây dựng cánh đồng một giống. Nhờ đó, hiện nay giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp đạt trên 55 triệu đồng. Cùng với cấy lúa, nhiều người giờ đã tận dụng nguồn nước từ rừng, khe suối, để chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nâng tổng số diện tích chăn nuôi thủy sản của xã lên 33ha. Hướng đi này khá phù hợp với điều kiện canh tác và bước đầu mang lại hiệu quả. Một số hộ tiêu biểu trong phát triển thủy sản như: ông Ma Văn Thanh, xóm Linh Sơn, với 4 sào ao, qua 2 vụ nuôi cá ông thu về 60 triệu đồng; ông Hoàng Đình Nghĩa xóm Nà Mỵ, ông La Văn Quỳnh, xóm Nà Chú… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từ trên 60% năm 2015 nay xuống còn 39%.
Nhiều hộ dân khác tận dụng đất đồi bãi sang phát triển cây ăn quả như gia đình chị Ma Thị Thơi, xóm Cốc Móc. Cùng chị Thơi leo lên quả đồi cách nhà chừng 4km, hiện ra trước mắt chúng tôi là vùng cây trái xanh tốt. Chị Thơi phấn khởi: Phía trên đỉnh đồi, tôi trồng keo, năm ngoái cho thu hoạch hơn 1ha, lãi khoảng 90 triệu đồng. Năm nay ngoài keo, tôi trồng thêm quế theo chủ trương của xã và trồng xen ngô, bí, rau các loại, lấy ngắn nuôi dài. Còn dưới chân đồi, năm 2016, tôi trồng 250 cây quýt, năm tới sẽ cho thu hoạch. Nhìn người phụ nữ mảnh khảnh, làn da dám nắng, đôi chân thoăn thoắt bước trên đồi đầy đá, tôi hiểu, ở nơi tận cùng khó khăn này, có được kết quả như chị Thơi là một nỗ lực rất đáng trân trọng.
Những gì tôi cảm nhận được ở Linh Thông trong lần trở lại này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhưng trên mảnh đất này cũng còn nhiều lắm những suy tư trăn trở đó là làm sao để trong tương lai Linh Thông no ấm hơn, bởi theo ông Ma Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã thì toàn xã có 9 xóm, 741 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm 90%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn đã giảm song vẫn cao so với bình quân chung của huyện… Đời sống kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, song địa hình phức tạp, đất sản xuất ít lại manh mún, nằm xen kẽ với các khe núi, khó canh tác. Diện tích rừng trên 2.000ha, nhưng có 1.800ha là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Việc kinh doanh, buôn bán hay phát triển dịch vụ chế biến lâm sản cũng gặp khó do xã nằm ở điểm cuối của huyện…
Những suy tư trăn trở ấy đã cùng tôi trên đường rời Linh Thông, nhưng tôi tin rằng khi người dân nơi đây đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm và đang tiếp tục tìm hướng phát triển thì việc tìm ra con đường đi lên chắc cũng không xa. Và tôi mong một ngày trở lại sẽ thấy Linh Thông đổi mới hơn bây giờ.