Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nuôi trâu theo hướng hàng hoá. Cuộc cách mạng công nghiệp hoá nông nghiệp đã hầu như xoá đi hình ảnh đồng ruộng với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Mặc dù giờ đây con trâu không còn giữ vai trò “đầu cơ nghiệp” nhưng chúng vẫn luôn được người nông dân yêu mến và giúp chủ nuôi có thu nhập cao.
Nuôi trâu vỗ béo đã trở thành một nghề ở xã Ký Phú. Cánh lái buôn ở nhiều tỉnh đã quá quen thuộc đường đi lối lại của từng xóm, biết rõ số lượng cũng như thời điểm sẽ xuất bán trâu của từng nhà. Đưa chúng tôi vào xóm Đặn 3, có nhiều hộ nuôi trâu có hiệu quả kinh tế cao, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú Lỗ Thanh Hiệp cho biết: Do nằm sát chân núi Tam Đảo nên các xóm của xã có nhiều diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên. Phát huy lợi thế này, trong những năm qua bà con đã tích cực phát triển chăn nuôi, luôn duy trì đàn trâu 400 - 450 con.
“Lão làng” trong nghề nuôi trâu ở xóm Đặn 3 phải kể đến là ông Nguyễn Văn Bảy, 65 tuổi. Ông Bảy cho biết vào những năm 70, gia đình ông đã nhận nuôi trâu cày kéo của hợp tác xã. Đến năm 1991 hợp tác xã giải thể, ông nhận mua thanh lý con trâu nái với giá tiền tương đương 2 chỉ vàng. Mỗi năm trâu mẹ đẻ một con, ông bán bớt để mua thêm trâu đực về, vừa vỗ béo vừa nhân đàn. Từ đó đến nay hàng năm ông duy trì đàn trâu khoảng 10 con.
Vào mùa Hè, ông dắt trâu chăn thả tại các bờ ruộng, khu vực ven đồi có nhiều cỏ mọc, trưa nắng nóng thì lùa trâu xuống suối Kẻng để tắm mát. Trâu ưa khí hậu mát mẻ và đặc biệt rất thích nước nên có thể để chúng đằm mình dưới suối cả buổi. Vào mùa Đông thời tiết lạnh giá, trâu được nhốt trong chuồng cho ăn cỏ, rơm đã tích trữ.
Ngoài tiêm vacxin phòng các loại bệnh thường gặp như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng… và tẩy giun sán, hàng ngày ông để ý theo dõi từng con, nếu nó ăn ít hơn bình thường thì nghi ngờ nhiễm bệnh, cần có chế độ chăm sóc riêng và điều trị bệnh. Đàn trâu nái mỗi năm đem lại cho ông gần 100 triệu đồng từ bán trâu nghé (20 - 25 triệu đồng/con 7 tháng tuổi).
Để nuôi vỗ béo trâu thịt, ông Bẩy tìm mua những con trâu gầy yếu do không được chăm sóc tốt của các hộ nuôi thả của các xã lân cận, giá 20 triệu đồng/con, sau 1 năm, trâu trở nên to béo, mập mạp, được bán từ 30 - 40 triệu đồng. Ngoài thu nhập hàng trăm triệu đồng từ tiền bán trâu, ông còn tận dụng nguồn phân để trồng hơn 1,2 mẫu lúa, trồng rau màu và trồng cỏ. Ông Bẩy cho rằng nuôi trâu rất dễ, chỉ cần chuồng trại sạch sẽ, trâu được ăn no tắm mát thì sẽ béo khoẻ, ít khi mắc bệnh.
Khác với ông Bẩy, ông Ngô Văn Tuấn, 60 tuổi, là “lái trâu chuyên nghiệp”, con trâu được ông nuôi lâu nhất cũng không quá nửa năm. Ông Tuấn thường đi tìm mua những con trâu gầy, yếu để mang về nuôi vỗ béo mà dân gian gọi là “hồ” trâu.
Ông Tuấn tâm sự, từ năm 2000, ông sang xã Bình Thuận (Đại Từ) mua 3 con nhe (dân địa phương gọi trâu nghé là con nhe) về chăn. Làm nghề nào cũng phải hiểu biết về nghề đó, như chọn trâu chẳng hạn, cũng phải thuộc kinh nghiệm dân gian truyền lại, trâu dù gầy yếu vì thiếu dinh dưỡng do không được chăm sóc nhưng vẫn phải có tướng đẹp khung to, chân to, đuôi to, mõm ngắn. Những con trâu này thường được chủ bán với giá thấp do thương lái chê không mua. Ông Tuấn còn được mọi người gọi là “chuyên gia” về trâu nhờ vốn kiến thức sâu rộng từ những kinh nghiệm học hỏi tích luỹ qua nhiều năm theo nghề, lại tuân thủ đúng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại.
Những con trâu yếu do ốm đói vì thiếu ăn được ông mua về, việc đầu tiên là tẩy giun sán, tiêm phòng vacxin, sau đó là được vỗ béo với lượng thức ăn dồi dào. Ngoài cỏ, rơm, cây ngô, ông còn cho trâu ăn thêm bột ngô, cám gạo, bã bia có pha thêm nước muối loãng. Được chăm sóc tốt, ăn uống đủ, đàn trâu ông chăm lớn nhanh như thổi và trổ mã đẹp đến nỗi chủ cũ cũng không nhận ra. Thông thường, mỗi năm ông nuôi từ 3- 4 lứa, mỗi năm bán trên 30 trâu thịt. Sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi cả trăm triệu đồng.
Cẩn thận là vậy nhưng ông Tuấn vẫn bị “tai nạn nghề nghiệp”. Cách đây khoảng dăm năm, khi mua phải con trâu dữ, lúc dắt đi chăn ông bị nó húc suýt chết. Tuy nhiên, hầu hết những con trâu ông mua về đều rất hiền lành và dễ nuôi. Chính bởi hiệu quả kinh tế cao, ông gắn bó với nghề nuôi trâu vỗ béo, bỏ công đi tìm mua trâu của những gia đình thiếu nhân lực, nuôi thả tự do.
Tại xóm Đặn 3, người được cho là mát tay nhất, nuôi toàn trâu mộng là anh Trần Văn Toán, 46 tuổi. Cũng là mua trâu thịt, nhưng anh Tuấn rất khó tính khi chọn mua, anh chọn những con nghé 10 tháng tuổi đẹp chuẩn, giá tới 30 triệu/con, nuôi khoảng 3 - 4 tháng thì xuất bán, mỗi năm anh nuôi hơn chục con, con nào cũng thuộc hàng “khủng” và chất lượng thịt thì không đâu sánh bằng, nên nhà anh là địa chỉ quen thuộc của cánh săn trâu thịt phục vụ nhiều nhà hàng đặc sản từ các tỉnh thành Vĩnh Phúc, Hải Phòng… Để đảm bảo thức ăn quanh năm cho trâu, anh Toán trồng 6 sào cỏ, ngoài ra còn thu mua rơm của bà con trong xã, nhằm chủ động đủ thức ăn cho trâu vào những tháng mùa đông ít cỏ tươi. Anh Toán tự hào khoe rằng dù biết rõ anh nuôi bán trâu thịt nhưng vẫn có nhiều người đến xem trâu của anh để mua về luyện thành trâu chọi bởi chúng quá khoẻ, đẹp. Trong khi trâu của các hộ khác thường ở mức dưới 40 triệu đồng/con thì trâu nhà anh Toán thường trên 50 triệu đồng, thậm chí có những con trâu mộng trên 70 triệu đồng.
Ông Lỗ Thanh Hiệp cho biết thêm, ngoài nguồn thu từ tiền bán trâu, các hộ chăn nuôi còn tận dụng phân bón để chăm lúa, chè, rau mầu đều rất năng suất. Ngoài ra, vào những vụ gặt, nhiều hộ còn bán được rơm với giá 1 triệu đồng/mẫu, nếu không cũng chỉ để đốt ngay tại ruộng, rất lãng phí.
Nghề nuôi trâu vỗ béo của các gia đình trong xã đã giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu/người/năm. Nhờ vậy, xã đã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiếp tục từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.