Chú trọng quản lý công trình nước sạch sau đầu tư

15:12, 17/03/2021

Ngày 17-3, Đoàn công tác hỗ trợ thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có buổi làm việc với đại diện các ngành chức năng của tỉnh để giám sát, đánh giá nội dung thực hiện Chương trình.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình (từ 2016 đến 2020), Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ số đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh đã giải ngân trên 157,8 tỷ đồng, đạt 98,6% kế hoạch. Trong đó, vốn Ngân sách Trung ương hơn 135,4 tỷ đồng; vốn vạy lại gần 12,3 tỷ đồng và vốn tỉnh đối ứng trên 10,1 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, có hơn 9.000 / 14.619 đấu nối cấp nước tới hộ gia đình; 94 trường học và 48 trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh; 35 xã đạt vệ sinh toàn xã; 5.214 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Hằng năm, nguồn vốn chuyển về tỉnh chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, dẫn đến một số hoạt động của Chương trình khó hoàn thành, tỷ lệ giải ngân không đạt so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc triển khai các thủ tục cấp phép xây dựng, khai thác nước, giải phóng mặt bằng giao đất cho dự án của các bộ, ngành, địa phương liên quan còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện…

Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác đã đề nghị ngành chức năng làm rõ một số nội dung thực hiện kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi; kế hoạch phát triển năng lực hàng năm; kết quả xã đạt vệ sinh toàn xã cũng như kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình năm 2021. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng cần tham mưu cho UBND tỉnh tập trung hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, cần chú trọng công tác quản lý công trình nước sạch sau đầu tư, đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài, bền vững.