Dự án Trường Trung cấp nghề CIENCO 8: Đã có lối mở nhưng vẫn “treo”

10:46, 09/03/2021

Đã hơn 12 năm kể từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (tháng 11-2008), đến nay Dự án Xây dựng Trường Trung cấp nghề CIENCO 8 (tại xã Hồng Tiến và phường Bãi Bông, T.X Phổ Yên) vẫn là một bãi đất hoang. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ Giao thông - Vận tải) thiếu tích cực, các vướng mắt về mặt bằng nhiều năm chưa được giải quyết, người dân mòn mỏi chờ đáp ứng quyền lợi chính đáng.

Giáp Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, khu vực thuộc Dự án Xây dựng Trường Trung cấp nghề CIENCO 8 rộng 11,6ha đang là bãi đất bị bỏ hoang, chỉ có một phần được người dân trồng cây keo. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân xóm Yên Mễ, xã Hồng Tiến, xót xa: Nhà tôi có nửa héc ta vườn đồi và khoảng 4 sào ruộng bị thu hồi cho Dự án này. Ngay sau khi chúng tôi bàn giao đất, họ tiến hành san lấp nham nhở rồi bỏ hoang hơn 10 năm nay rất lãng phí, muốn tận dụng trồng cấy cũng khó. Còn về các khoản hỗ trợ bổ sung, dù cơ quan chức năng đã kiểm đếm, phê duyệt mấy lần nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chi trả chúng tôi…

Dự án Xây dựng Trường Trung cấp nghề CIENCO 8 (gọi tắt là Dự án) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 11-2008, ra Quyết định thành lập Trường tháng 6-2009. Ở thời điểm đó, Dự án được người dân đồng thuận cao, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) rất thuận lợi. Tháng 11-2009, UBND huyện Phổ Yên (nay là T.X Phổ Yên) phê duyệt phương án bồi thường, GPMB Dự án với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, 30 hộ dân nhanh chóng nhận tiền và ban giao mặt bằng, kể cả 4 hộ có nhà ở.

Tuy nhiên, thời điểm tiến hành GPMB Dự án cũng là giai đoạn giao thời giữa Nghị định 84/2007/ND-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ (quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giải quyết khiếu nại về đất đai) và Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Phương án bồi thường, GPMB Dự án được chính quyền huyện Phổ Yên phê duyệt khi Nghị định số 69 đã có hiệu lực (nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể), vì vậy phải được phê duyệt bổ dung theo Nghị định số 69 để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đến tháng 10-2011, UBND huyện Phổ Yên phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án với số tiền trên 7,5 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư không bố trí kinh phí chi trả cho người dân. Dự án tiếp tục bị “treo” nhiều năm. Tháng 7-2019, UBND tỉnh ban hành Kết luận về việc kiểm tra Dự án, trong đó có nội dung đồng ý cho chủ đầu tư nghiên cứu và điều chỉnh thành dự án khu đô thị mới; giao các cơ quan, địa phương liên quan phương hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục những tồn tại trong công tác GPMB, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đây có thể coi như một lối mở cho Dự án và chủ đầu tư.

Tháng 11-2019, UBND T.X Phổ Yên tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án (cập nhật theo quy định và mức giá thời điểm đó) với kinh phí 8,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa chi trả cho người dân. Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến (địa phương có trên 9ha thuộc Dự án) cho biết: Vì đất bị bỏ hoang và nhiều năm chờ đợi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ bổ sung nên người dân nhiều lần ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp. Chúng tôi đề nghị cấp, ngành liên quan sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề của Dự án này.

Ngoài những vướng mắc về mặt bằng và quyền lợi chính đáng của người dân nhiều năm qua chưa được giải quyết, việc điều chỉnh Dự án thành khu đô thị đến nay cũng vẫn gần như “giậm chân tại chỗ” mà nguyên nhân chính là do nhà đầu tư thiếu tích cực. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, nhà đầu tư thiếu phối hợp với cấp, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh quy hoạch và đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị, dù thời gian gần đây đã thiện chí hơn.

Sau những thúc giục, đôn đốc của T.X Phổ Yên và cơ quan liên quan, ngày 21/12/2020, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 đã có báo cáo về việc giải quyết vướng mắc và triển khai các thủ tục đề xuất Dự án. Theo đó, Dự án được đề xuất điều chỉnh thành Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Hồng Tiến với tổng mức đầu tư gần 216 tỷ đồng; dự kiến trong quý I/2021 sẽ hoàn thiện công tác GPMB, xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư…

Tuy nhiên, đã gần hết quý I nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì những phần việc mà nhà đầu tư “dự kiến” chưa có nhiều tiến triển, người dân vẫn phải chờ đợi và đất vẫn bị bỏ hoang. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan tích cực, kiên quyết hơn nữa để sớm giải quyết những vướng mắc, tồn tại của Dự án, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và phát huy giá trị sử dụng đất.