Nhiều năm trước, nhắc tới nông thôn là nhiều người liên tưởng tới hình ảnh của sự thiếu thốn, là đường làng nắng bụi mưa bùn, mái tranh xiêu dột và những đứa trẻ đầu trần chân đất. Thời gian trôi đi, cùng với sự phát triển của xã hội, nông thôn đã có một bộ mặt rất khác. Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ; điện lưới, viễn thông và Internet phủ khắp. Ở đó có những người trẻ với hành trang kiến thức, đầy nhiệt huyết và đam mê khởi nghiệp, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Tốt nghiệp Trường Đại học Lao động xã hội (Hà Nội), anh Dương Văn Tuyển (sinh năm 1992) không xin việc tại các cơ quan, doanh nghiệp mà lựa chọn về quê ở xóm Đầm Thị, xã Bình Thành (Định Hóa) để khởi nghiệp. “Tôi nghĩ có kiến thức và quyết tâm thì dù mình ở đâu cũng có thể làm được. Khởi nghiệp từ làng là một cách góp sức phát triển quê hương” - Tuyển khẳng định. Nhìn cơ ngơi gia trại rộng hàng nghìn mét vuông, với đàn lợn rừng và bò thịt hơn 70 con cùng ao cá chăn thả tự nhiên, chúng tôi tin lời anh nói là có cơ sở. Ngay từ khi bắt đầu, Tuyển xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, dựa trên lợi thế về vườn bãi. Anh trồng cỏ, cây dược liệu và chủ động nguồn thức ăn từ phụ phẩm trồng trọt để phục vụ chăn nuôi. Cách làm này vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm của anh được thị trường biết đến và ưa chuộng, làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Không chỉ đạt thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, Tuyển còn tích cực hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các hộ lân cận và được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm từ năm 2016.
Cũng thuộc thế hệ 9X, Trương Văn Tân, ở xóm Giang 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đã gây dựng được cơ ngơi rất đáng ngưỡng mộ. Ở tuổi 26, anh là chủ trang trại chăn gà có quy mô 1 vạn con/lứa, hơn chục con trâu và 2.500m2ao cá cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tân nói: Thời gian 2 năm trong quân ngũ rèn luyện cho em tính cách và định hướng nghề nghiệp. Ra quân, em làm tiếp thị cho một công ty thức ăn chăn nuôi, theo học các lớp kỹ thuật thú y để tích lũy cho mình vốn và kiến thức. Đến khi cảm thấy tự tin, em quyết định vay vốn khởi nghiệp. Điều kiện vườn bãi của gia đình hạn hẹp nên Tân thuê và cải tạo lại các trang trại bỏ không trong xóm theo quy chuẩn khoa học. “Họ đi trước và đã thất bại, lý do nào em lại tiếp bước đầu tư?” - tôi hỏi. Tân thật thà: Em đã nghiên cứu khá kỹ, rút kinh nghiệm để không lặp lại những sai lầm. Chăn nuôi là lĩnh vực nhiều rủi ro, quan trọng là phải quan tâm phòng chống dịch bệnh và tính toán đầu tư phù hợp ở từng thời điểm thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Khởi nghiệp từ làng nhưng Lê Văn Lịch lại chọn cho mình một hướng đi khác, không thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Lịch hiện đang làm chủ của Công ty TNHH May Nam Thái Nguyên (ở xóm Thanh Xuyên 5, xã Trung Thành, T.X Phổ Yên). Trước đó, sau khi học xong THCS, do điều kiện gia đình khó khăn nên Lịch không tiếp tục học lên mà xin làm công nhân may. Gần 10 năm tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, năm 2017, anh quyết định lập công ty của riêng mình, khởi đầu với 10 công nhân, 15 máy may gia công hàng nội địa. Vượt qua rất nhiều thách thức, doanh nghiệp dần phát triển và tạo dựng được thương hiệu. Đến nay, Công ty TNHH May Nam Thái Nguyên đã phát triển nhà xưởng rộng hơn 1.000m2, tạo việc làm ổn định cho 90 công nhân với mức lương từ 6 triệu đến 9 triệu đồng/tháng; doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, Lịch chia sẻ: Tôi dự định mở rộng nhà xưởng lên khoảng 4.000m2 với 300 công nhân, chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Canada và Hoa Kỳ. Sẽ có rất nhiều thách thức nhưng tôi tự tin mình sẽ thực hiện được.
Quyết tâm của Lịch có lẽ cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều thanh niên khởi nghiệp từ làng. Họ đã và đang nỗ lực để làm giàu trên chính quê hương mình, tiếp tục khẳng định sức mạnh của tuổi trẻ, xung kích trên mọi mặt trận, nhất là lĩnh vực kinh tế