Trong xu thế chuyển đổi số quốc gia ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu xã hội về giao dịch tăng thì việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp tối ưu. Do vậy, đòi hỏi hệ thống ngân hàng, các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công (điện, nước, học phí, viện phí…) và chi trả an sinh xã hội là rất cần thiết.
Để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt với các dịch vụ công và an sinh xã hội, rất cần sự đầu tư bài bản về hạ tầng, mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị trường học, bệnh viện, điểm thu nộp thuế, điểm giao dịch điện, nước, chi trả lương, trợ cấp… Cần thiết phải phát triển thêm các phương tiện thanh toán mới, hiện đại của ngân hàng, có thể là các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng, cho phép người dân áp dụng nhiều hình thức thanh toán, có thể là thanh toán trực tuyến, qua thẻ POS, mPOS, ATM, qua ứng dụng điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc. Cần thiết phải ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với các khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng.
Lúc này vai trò của Ngân hàng Nhà nước và ngành Thông tin và Truyền thông rất quan trọng. Hệ thống các ngân hàng phải hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử, kết nối chặt với các đơn vị cung ứng dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội để có sự đồng nhất trong triển khai; có cơ chế, chính sách thanh toán hợp lý, triển khai hiệu quả. Ngành Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện kênh thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Các đơn vị viễn thông triển khai tối đa dịch vụ, nhất là sớm phổ biến tài khoản ngân hàng số cho người dân trong tỉnh, nếu tăng được mỗi năm khoảng 20% người dân có tài khoản số thì việc triển khai theo mục tiêu đề ra sẽ khả thi hơn.
Chúng ta đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh đạt hơn 80%; phấn đấu 100% giao dịch nộp ngân sách và phần lớn các dịch vụ thanh toán điện, nước, học phí, viện phí, an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng, trong đó với T.P Thái Nguyên phải phấn đấu đạt gần tối đa. Đây được xem là mục tiêu không dễ thực hiện, bởi hạ tầng, thiết bị điện tử, số hóa phục vụ giao dịch của chúng ta vẫn còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt trong nhân dân vẫn khá phổ biến. Do vậy, trước tiên rất cần tính gưỡng mẫu, tích cực, đi đầu sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quán triệt, phổ biến và ứng dụng phải được nâng cao. Công tác tuyên truyền để người dân hiểu, thay đổi thói quen trong sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại là rất quan trọng. Ngoài ra, hệ thống các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội cần thực hiện tốt cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khách hàng và cũng cần đánh giá định kỳ để kịp thời khen thưởng, biểu dương các đơn vị làm tốt.