“Đối với một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và kim loại thì vấn đề nghiên cứu khoa học, sáng tạo luôn được chúng tôi quan tâm, chú trọng. Công ty có riêng một phòng quản lý về vấn đề này, nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công nhân viên phát huy trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến trong lao động, sản xuất và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để đem lại hiệu qủa cao nhất về kinh tế, tiết kiệm thời gian, giảm công sức lao động, bảo vệ môi trường...” - Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng, Môi trường của Masan High-Tech Materials cho biết.
Masan High-Tech Materials (MHT) là một trong những nhà sản xuất khoáng sản và hóa chất công nghiệp tích hợp lớn nhất Việt Nam. Các dòng sản phẩm của Công ty đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng đối với các doanh nghiệp toàn cầu và là thành phần không thể thiếu của những phát kiến và sự phát triển về vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ. |
Trong năm 2020, Masan High-Tech Materials tiếp tục đạt các thành tích sản xuất cao trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi. Sản lượng và tỷ lệ thu hồi của các sản phẩm Đồng, Vonfram và Florit cấp axit vẫn tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, chu trình tuyển nổi và xi măng hóa Bismut đã hoạt động trở lại sau khi thực hiện chương trình bảo trì chuyên sâu nhằm nâng cấp tiêu chuẩn cơ khí để đảm bảo hiệu suất tuyển khoáng. Chiến lược cải tiến liên tục (CI) áp dụng trên toàn cơ sở kinh doanh của Công ty đã mang lại thành công, ổn định sản xuất, nâng cao hiệu suất và hiệu quả thu hồi kim loại. Công ty vẫn đạt doanh thu 7.291 tỷ đồng, tăng 2.585 tỷ đồng so với năm trước; đóng góp 1.478 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; góp 1 triệu USD mỗi năm vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên... Điều này có thể minh chứng cho những quyết sách đúng đắn của Masan High-Tech Materials trong bối cảnh có nhiều thách thức và một trong những giải pháp quan trọng đó là Công ty đã xây dựng được một môi trường làm việc vui vẻ, tích cực, an toàn và tiết kiệm, thông qua đó nhằm khích lệ tinh thần làm việc, xây dựng mối quan hệ và phát huy tốt hơn nữa năng lực của cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) trong công việc, tạo ra nhiều hơn các sáng kiến, có nhiều hơn các ý tưởng để nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí cho Công ty.
Từ năm 2013, Công ty đã phát động phong trào “Ngôi sao Tháng” cho các cá nhân có thành tích nổi trội, có đóng góp ý nghĩa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2015, Công ty tiếp tục thành lập Hội đồng Kaizen. Sau nhiều năm triển khai, Công ty đã nhận được rất nhiều đề xuất, sáng kiến, ý tưởng cải tiến trong công việc của các cá nhân, tập thể từ các phòng, ban trong Công ty, đặc biệt là Khối Nhà máy, Sản xuất.
Nhân viên bộ phận Bảo trì Nhà máy.
Kể từ đó đến nay, Công ty đã nhận được hơn 400 đề xuất, sáng kiến, ý tưởng cải tiến trong công việc của các cá nhân, tập thể, trong đó đã có 35 sáng kiến được bình chọn, tuyên dương và ứng dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu như sáng kiến “Lắp đặt tấm chắn ở bàn cấp tuyển Vonfram” của anh Đàm Đức Huy, Bộ phận Sản xuất. Sáng kiến này giúp kiểm soát độ ăn mòn trong khâu tuyển Vonfram, tiết kiệm vật liệu, giảm lượng công việc liên quan đến kiểm soát ăn mòn. Hay như sáng kiến của anh Hoàng Hữu Chiến, Bộ phận Sản xuất đã nhận được Bằng khen về lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Anh Chiến đã tự gia công màng chắn đo bằng gốm để dùng cho thiết bị lấy mẫu quặng đuôi hỗn hợp tại khâu tuyển nổi Sunfua khối lớn từ đoạn nối ống và sử dụng gốm bịt kín thay van bi trước đây. Phương pháp sử dụng bằng van bi cũng khiến điều chỉnh dòng kém và thường bị tắc, ảnh hưởng đến chất lượng của mẫu. Do vậy, việc sử dụng màng chắn đo bằng gốm giúp dòng chảy vào thiết bị lấy mẫu được liên tục, và tiết kiệm được lượng lớn vật tư thay thế lấy trong kho.
Nhân dịp hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2021 và Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công ty cũng phát động phong trào tới toàn thể CB-CNV, dự kiến mỗi người lao động sẽ đăng ký một sáng kiến, ý tưởng. Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng, Môi trường của Công ty cho biết: Trung bình mỗi năm, Công ty có khoảng 90 sáng kiến và 10% trong số đó được ứng dụng vào thực tiễn. Chúng tôi cũng hy vọng, bằng những chính sách khuyến khích và thúc đẩy CB-CNV, Công ty sẽ có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững của Masan High-Tech Materials.
Hiện nay, Masan High-Tech Materials (MHT) đang vận hành một quy trình sản xuất hiện đại bậc nhất đối với nhóm sản phẩm đặc trưng của Công ty. Việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tiếp tục mang lại các cải tiến về mặt quy trình, thiết bị và hóa chất. Quy trình sản xuất được hỗ trợ bởi các phần mềm quản lý khai thác và chế biến tiên tiến để tối ưu hóa tỷ lệ thu hồi và giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Việc trở thành nhà sản xuất các sản phẩm Vonfram chế biến cận sâu sẽ làm gia tăng đáng kể giá trị Công ty, do các sản phẩm Vonfram công nghệ cao có giá bán cao hơn 30-50% so với các sản phẩm APT hiện tại. Điều này đã góp phần đưa Masan High-Tech Materials trở thành một Công ty vật liệu công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam với quy mô hàng đầu thế giới.
Quan trọng hơn nữa, vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Vonfram toàn cầu sẽ có được nền tảng nghiên cứu phát triển và sản xuất hàng đầu thế giới. Đây là cơ hội để đào tạo và phát triển các chuyên gia kỹ thuật trong ngành vật liệu công nghệ cao của Việt Nam, như một phần trong quá trình toàn cầu hóa nền tảng kinh doanh của Masan High-Tech Materials.