Đổi thay ở xóm người Dao Tân Lập

08:03, 22/04/2021

Xóm Tân Lập, ở xã Phú Xuyên (Đại Từ) có 100% số hộ với trên 500 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Dao. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cùng với tinh thần đoàn kết, cố gắng vươn lên của người dân, đời sống đồng bào nơi đây đã có nhiều đổi thay rõ rệt. 

Đồng chí Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho hay: Hơn 60 năm hạ sơn lập bản, từ chỗ sống rải rác bên những dãy núi cao, đến nay, bà con người Dao ở địa phương đã quây quần tại xóm Tân Lập, cùng đoàn kết một lòng xây dựng đời sống mới. Những năm gần đây, các hộ trong xóm đều tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển thương mại - dịch vụ để nâng cao đời sống kinh tế. Bên cạnh đó, đồng bào vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Dao. Tân Lập giờ đây đã vươn lên nằm trong tốp đầu của xã về phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm liên tục đạt xóm văn hóa. 

Để chứng minh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã mời chúng tôi đến thăm xóm Tân Lập. Đi trên con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn men theo những đồi chè xanh ngát, ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang chúng tôi cảm nhận được sức sống đang vươn mình của xóm người Dao này. Tuy bứt vài vúp chè xuân xanh non, ông Bàn Văn Sinh, Trưởng xóm Tân Lập nhớ lại: Khoảng chục năm trước thì ở xóm không ai trồng loại chè cành này đâu. Cả xóm toàn là những cây chè trung du già cỗi, búp ít nên thu hái không được mấy mà giá bán cũng chả được là bao. Khoảng 5 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vận động, hướng dẫn của cán bộ địa phương, người dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè trung du sang trồng các giống chè cành chất lượng cao, như: LDP1, Long Vân, Bát Tiên... 

Hiện, xóm có 40ha trồng chè giống mới, năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha. Xóm cũng đã được công nhận là làng nghề chè và có 1 tổ hợp tác trồng chè an toàn. Đời sống người dân nhờ vậy mà được nâng cao rõ rệt. Thêm nữa, đến nay, gần 90% tuyến đường trong xóm được bê tông hóa đã giúp việc trao đổi hàng hóa của bà con tiện lợi hơn nhiều, tư thương đến tận nơi để thu mua chè và các loại nông sản khác. Rồi nhờ được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, người dân đã cập nhật thêm nhiều kiến thức về sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Gia đình anh Phùng Văn Ngọc là một ví dụ tiêu biểu. Anh Ngọc cho biết: Dù có diện tích ao lên đến 4.000m2 nhưng trước đây, gia đình tôi chỉ thả cá để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày hoặc thi thoảng bán cho một vài hộ trong xóm. Tuy nhiên, hơn 5 năm trở lại đây, tôi đã mạnh dạn cải tạo ao để nuôi cá thương phẩm, sử dụng men vi sinh để xử lý nguồn nước, chủ động phòng bệnh cho cá... Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi tăng cao. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 10 tấn cá các loại, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng.

Bên cạnh gia đình anh Ngọc, nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện ở Tân Lập thể hiện rõ sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Đức Toàn đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 10.000m2 đất đồi kém hiệu quả sang trồng keo và một số loại dược liệu như ba kích, chè hoa vàng, đinh lăng… Ông Nguyễn Đức Toàn chia sẻ: Sau một thời gian trồng thử nghiệm, các loại cây dược liệu đã bắt đầu cho thu hoạch và cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Bên cạnh đó, tôi còn mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở gần trung tâm xã để có thêm sinh kế.

Kinh tế phát triển, người dân xóm Tân Lập có điều kiện đóng góp tiền, ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn. Toàn xóm hiện có 5,5km đường giao thông đều đã được cứng hóa. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, xóm cũng vận động người dân hiến trên 5.000m2 đất để đổ bê tông các tuyến đường. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường, nhà văn hóa cũng đã được đầu tư khang trang, đồng bộ. Đến nay, đời sống của bà con xóm Tân Lập không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ giàu, khá chiếm trên 70%. Xóm hiện chỉ còn 2 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo…