Đông Cao - điểm sáng trong phát triển kinh tế

08:13, 20/04/2021

Những năm qua, xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, nhằm nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập. Từ những kết quả đạt được, Đông Cao trở thành một trong những điểm sáng tại địa phương trong phát triển kinh tế.

Những ngày này về xã Đông Cao, chúng tôi thấy xen kẽ cánh đồng lúa xuân là những cánh đồng rau màu xanh mướt với đa dạng cây trồng. Đồng chí Trần Văn Toan, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Với lợi thế của vùng đất ven sông Cầu, những năm qua, cùng với việc đưa các giống lúa cho chất lượng cao vào sản xuất, xã cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi trên 30ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau xanh các loại. Vào vụ đông hàng năm, diện tích rau màu của toàn xã lên tới 100ha. Những năm gần đây, rau màu đã trở thành nguồn thu nhập chính của không ít hộ gia đình. Để nâng cao thu nhập, hiện nay, cùng với việc mở rộng diện tích, người dân đã liên kết sản xuất rau xanh theo hướng an toàn với diện tích hơn 6ha; đồng thời sản xuất rau giống để cung ứng cho người dân các vùng lân cận. 

Bà Hoàng Thị Cúc, ở xóm Trại cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau xanh an toàn, gia đình tôi đã chuyển 3 sào đất sang trồng rau. Sau khi trừ chi phí, rau bán cho thu lãi gần 10 triệu đồng/lứa, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Không chỉ tập trung trồng trọt, người dân trên địa bàn cũng đã tích cực phát triển chăn nuôi với trên 30 gia trại. Hàng năm, xã duy trì ổn định trên 170.000 con gà và hơn 5.000 con lợn, trở thành địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn thị xã. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh chuồng trại, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi. Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện các loại dịch bệnh như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự chủ động của người dân nên dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, khoanh vùng, không để lây lan trên diện rộng. 

Anh Trần Văn Cương chủ một trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xóm Tân Thành cho biết: Với diện tích chuồng trại hơn 3.000m2, mỗi năm, tôi nuôi 2 lứa lợn thịt (mỗi lứa trên 200 con), cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn từ khâu lựa chọn con giống đến khi xuất chuồng, đàn lợn của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh, vấn đề môi trường được đảm bảo.

Với lợi thế về giao thông, gần chợ trung tâm thị xã, thời gian qua, thương mại - dịch vụ cũng được xã Đông Cao từng bước đẩy mạnh. Toàn xã hiện có trên 480 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 39 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm 2016).    

Đồng chí Trần Văn Toan cho biết thêm: Với trên 70% số hộ sản xuất nông nghiệp, xác định nhiệm vụ trọng tâm là giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, thời gian qua, xã Đông Cao đã đưa ra các giải pháp cụ thể, sát với thực tế của địa phương. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển kinh tế. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập cao; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất. Hàng năm, xã cũng tạo điều kiện cho khoảng 300 lao động vào làm việc tại các nhà máy, công ty trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước và địa phương đối với các hộ nghèo, cận nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả…

Nhờ phát huy hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động, mở rộng ngành nghề lao động và thương mại - dịch vụ, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đông Cao giảm xuống còn 1,7% (năm 2016 là 4,5%), thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi… Từ đó, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần giảm nghèo bền vững.