Giải pháp để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh

10:17, 07/04/2021

Hiện số lượng các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội, ngoại tỉnh, song, hoạt động dịch vụ logistics của các doanh nghiệp vẫn còn thấp. Điều này ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông do chi phí vận chuyển cao, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa…

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đầu tư vào Thái Nguyên tăng mạnh, tập trung vào nhiều lĩnh vực: sản xuất, lắp ráp linh kiện, khai thác chế biến khoáng sản… nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa phát triển mạnh. Bên cạnh đó, Thái Nguyên là vùng trung tâm vùng miền núi trung du phía Bắc, có những tuyến đường huyết mạch chạy qua, có cảng đường thủy nội địa (cảng Đa Phúc). Đây là một trong những điều kiện thuận để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dịch vụ logistics (vận chuyển - lưu kho - xếp dỡ - phân chia, bao gói sản phẩm - thực hiện các thủ tục để sản phẩm lưu thông từ điểm này đến điểm khác). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, gần 1.500 đơn vị vận tải thông thường. Riêng trong năm 2020, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong và ngoài tỉnh đạt 27,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên chia sẻ: Lĩnh vực vận chuyển hàng hóa là một khâu trong chuỗi dịch vụ logistics. Với số phương tiện vận tải ô tô của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có, đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi dịch vụ logistics nên đã hạn chế đáng kể khả năng lưu thông hàng hóa, chi phí cho vận chuyển ở mức cao, làm giảm khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa. Trong tương lai, nhu cầu trong vận chuyển hàng hóa trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng mạnh nên phát triển dịch vụ logistics là rất cần thiết. Hiện nay, Thái Nguyên vẫn chưa thực sự có hệ thống kho, bãi hiện đại để phát triển ngành dịch vụ này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Thái Nguyên, số lượng doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu về dịch vụ logistics khá khiêm tốn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, Công ty CP thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) là đơn vị đang chú trọng để phát triển mạnh về dịch vụ logistics… Ông Từ Văn Trung, Trưởng phòng Logistics Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho biết: Dịch vụ logistics của Thái Hưng ngoài vận chuyển, phân phối toàn bộ hàng hóa trong toàn hệ thống (khoảng 60%), còn thực hiện dịch vụ cho các đơn vị khác trong và ngoài tỉnh (40%). Với hoạt động logistics của Thái Hưng theo hướng chuyên sâu đã góp phần nâng cao khối lượng, giảm thời gian vận chuyển.

Mặc dù Công ty Thái Hưng đã có quan tâm phát triển dịch vụ logistics, song vẫn còn một số khó khăn nhất định, như: Chưa có cụm cảng nội địa riêng, khi thực hiện vận chuyển hàng hóa phải đi thuê cầu cảng Đa Phúc và đưa thiết bị của đơn vị từ trên T.P Thái Nguyên xuyên để bốc xếp nên cũng ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển. Ông Từ Văn Trung cho biết thêm: Cảng nội địa Đa Phúc cho phép tàu trọng tải tương đối lớn (khoảng 1.500 tấn) hoạt động. Nếu được đầu tư nạo vét và hệ thống kho bãi được xây dựng hiện đại, có thể lưu giữ container thì chắc chắn việc phát triển dịch vụ logistics sẽ thuận lợi hơn. Hiện nay, hoạt động dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài cơ sở hạ tầng, phương tiện đáp ứng được theo yêu cầu thì phải có đại lý hải quan (các nhân viên khai báo hải quan phải được Tổng cục Hải quan cấp chứng chỉ)… Đây là những rào cản nhất định, ảnh hưởng đến việc phát triển hoạt động dịch vụ logistics của tỉnh.

Có thể thấy, Thái Nguyên có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện, nhu cầu vận chuyển hàng hóa mang tính chuyên nghiệp ngày càng tăng. Nhưng để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì rất cần có định hướng, quy hoạch mang tính chiến lược, đầu tư xây dựng hạ tầng và cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước.