Giảm phụ thuộc vào khu vực FDI

16:36, 26/04/2021

Trong mức tăng trưởng 4,48% của kinh tế Việt Nam quý I - 2021 có sự đóng góp rất quan trọng từ hoạt động xuất khẩu. Sau một năm gián đoạn vì tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, đem lại giá trị hơn 152 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I, tăng hơn 24% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị xuất siêu đạt hơn hai tỷ USD, trong đó có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và duy trì xuất siêu liên tiếp đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên có một hiện tượng rất đáng lưu ý là quý I - 2021, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chiếm tới hơn 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, là mức rất cao so với ngưỡng hơn 60% đến khoảng 70% của những năm qua. Trong một số ngành chủ đạo như mặt hàng điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, các doanh nghiệp (DN) FDI đều chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu, nếu không muốn nói là chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối.
 
Những con số này thể hiện sự đóng góp lớn của khu vực FDI vào tăng trưởng chung, nhưng cũng cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực này. Còn nhớ, từ năm 2018, hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu rất đáng mừng là DN trong nước bắt đầu bứt phá, đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực FDI. Có thời điểm, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của DN trong nước tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung cả nước và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của khu vực FDI. Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xu hướng tích cực đó không còn được duy trì bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực DN trong nước đang chậm lại, trong khi khu vực FDI hồi phục mạnh mẽ.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào khu vực FDI. Theo đó, cần có chiến lược phát triển DN trong nước lớn mạnh hơn, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Đồng thời khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo sức lan tỏa lớn, có kết nối với khu vực trong nước.