Với khát vọng vươn lên, nhiều thanh niên sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc huyện Định Hoá đã mạnh dạn khởi nghiệp và thành công trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ đang làm giàu cho bản thân, gia đình, họ còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải năm 2013, anh Lê Đình Nhất, dân tộc Tày ở xóm Rịn, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) không ở lại thành phố xin việc làm mà trở về quê để phát triển kinh tế. Anh Nhất chia sẻ: Tôi nhận thấy ở quê có diện tích trồng keo lớn, trong khi đó cả xã mới chỉ có 1-2 xưởng chế biến lâm sản với quy mô nhỏ. Vì vậy, tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và nhận thấy phát triển kinh tế từ rừng có nhiều tiềm năng. Tôi quyết định vay ngân hàng và anh em, bạn bè 300 triệu đồng để đầu tư mua máy móc, san gạt mặt bằng mở xưởng xẻ gỗ keo.
Nhờ nỗ lực, chịu khó và năng động trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tìm kiếm thị trường, xưởng chế biến gỗ của anh Nhất hoạt động ngày một hiệu quả. Sau 3 năm, với số vốn tích góp được, anh Nhất đã mạnh dạn mở thêm 1 xưởng xẻ, 2 xưởng băm và mua 15ha đất trồng keo làm nguồn nguyên liệu. Hiện nay, 4 xưởng chế biến gỗ của anh Nhất mỗi ngày sản xuất trung bình trên 50 tấn nguyên liệu, đem lại thu nhập từ 400-500 triệu đồng mỗi năm. Các xưởng chế biến gỗ này còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hoàng Văn Trung, lao động đang làm việc tại xưởng băm gỗ của anh Nhất cho biết: Do không có bằng cấp nên tôi phải bôn ba làm thêm ở nhiều nơi. Mãi đến thời điểm 3 năm trước, tôi được anh Nhất tạo điều kiện làm việc tại xưởng. Công việc hằng ngày của tôi là vận chuyển gỗ vào máy băm, thu nhập cũng được 250 nghìn đồng/ngày. Mức thu nhập khá ổn định lại được làm việc ở gần nhà nên tôi có thời gian làm thêm việc đồng áng và chăm sóc con cái tốt hơn.
Tương tự như anh Nhất, chị Nguyễn Thị Thư ở xóm Hồng Văn Lương, xã Trung Lương cũng lựa chọn những tán rừng trên quê hương cách mạng Định Hóa để khởi nghiệp và đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà và trồng cây ăn quả. Cách đây 5 năm, tận dụng diện tích vườn đồi của gia đình, vợ chồng chị Thư đã đầu tư mua máy xúc về san gạt, cải tạo 2ha đất đồi để xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô hơn 2.000 con gà/lứa và trồng 400 gốc mít Thái, bưởi Diễn. Nhờ chăm chỉ, kiên trì học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu về khoảng 300 triệu đồng.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Thư nói: Khi bắt tay vào phát triển kinh tế do không có vốn nên gia đình chỉ đầu tư chăn nuôi được 10 con lợn rừng. Mỗi lứa tôi giữ lại một số con để làm giống, số còn lại bán ra thị trường. Dần dần, đàn lợn phát triển, thời điểm cao nhất lên tới 200 con. Tích luỹ được một khoản tiền từ chăn nuôi lợn, tôi đầu tư chăn nuôi gà và trồng các loại cây ăn quả.
Anh Nhất và chị Thư chỉ là 2 trong số hàng trăm thanh niên ở huyện Định Hóa lựa chọn tán rừng quê hương để khởi nghiệp. Hiện nay, Huyện đoàn Định Hoá có trên 4.500 đoàn viên, thanh niên đang sinh hoạt ở 36 cơ sở đoàn, trong đó có 23 cơ sở đoàn nông thôn. Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên đã và đang phát triển mạnh mẽ ở địa phương. Mỗi năm, trên địa bàn huyện có khoảng 100 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 50% mô hình của thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các mô hình chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như mô hình: Khai thác và buôn bán lâm sản của anh Bàn Văn Thiết (xã Phúc Chu); Hợp tác xã Nông sản Bãi Hội của anh Hoàng Minh Tịnh (xã Bảo Cường); trồng cây ăn quả và chăn nuôi dê của anh Ma Khánh Ngọc (xã Bình Thành)...
Anh Lương Văn Huân, Phó Bí thư Huyện đoàn Định Hoá thông tin: Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Huyện đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, tuyên truyền đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tổ chức cho đoàn viên tham quan học tập các mô hình thanh niên phát triển kinh tế có hiệu quả. Ngoài ra, hàng năm, Huyện đoàn còn hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật cho một số mô hình kinh tế, phối hợp để đoàn viên được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế.