Nỗ lực nâng tầm sản phẩm địa phương

09:03, 13/04/2021

Toàn tỉnh hiện có 113 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN). Sau 2 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đã có 66/76 sản phẩm OCOP tại khu vực này đạt 3 sao và 4 sao. Đây được xem là tiền đề, động lực để các xã vùng DTTS-MN phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm OCOP.

Vạn Phái là xã đặc biệt khó khăn của T.X Phổ Yên (giai đoạn 2017-2020) với 80% dân số sống phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã đã chọn cây lạc để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Lý do là bởi diện tích trồng lạc ở địa phương tương đối lớn và từ cây lạc có thể sản xuất nhiều sản phẩm như: Lạc rang giòn, lạc rang muối, dầu lạc, hay các loại bánh kẹo...

Ông Nguyễn Thế Hoàng, Chủ tịch UBND xã Vạn Phái chia sẻ: Ngay sau khi đăng ký, chính quyền xã đã cùng với các xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân trong việc thực hiện Chương trình OCOP, vận động người dân mở rộng diện tích trồng lạc, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng lạc. Nhờ đó, qua 2 năm qua triển khai, diện tích trồng lạc của xã tăng từ 10ha năm 2019 lên 25ha vào năm 2020. Đồng thời, chúng tôi còn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc, tích cực hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó năng suất trung bình đã tăng từ 20 tạ/ha lên 26 tạ/ha. Đây là các bước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm lạc của địa phương, từ đó hướng đến xây dựng cây lạc trở thành sản phẩm OCOP của xã.

Tương tự, với lợi thế có Làng nghề đậu phụ An Long và Làng nghề chè truyền thống Chiến Thắng với các sản phẩm đã có tiếng trên thị trường, xã Bình Long (Võ Nhai) đã chọn 2 mặt hàng này để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Để đáp ứng các tiêu chí theo bộ tiêu chí của Chương trình OCOP, năm 2020, xã đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) triển khai trồng hơn 1 mẫu giống đậu bóng và tiếp tục nhân rộng ra trên địa bàn xã với diện tích khoảng 30ha trong năm nay. Qua đó, nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ cho Làng nghề đậu phụ An Long, giúp các hộ dân sản xuất ổn định. Còn đối sản phẩm của Làng nghề chè truyền thống Chiến Thắng, xã cũng đang tích cực vận động người trồng chè tại xóm Chiến Thắng canh tác theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, cán bộ xã cũng đã liên hệ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của xã.

Theo đánh giá, các xã thuộc vùng DTTS-MN của Thái Nguyên có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, nhiều sản phẩm đã trở thành mặt hàng chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Trong đó, không ít sản phẩm có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP chất lượng. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, những sản phẩm đặc trưng của vùng DTTS-MN trên địa bàn tỉnh hiện đều được sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, việc ứng dụng sản xuất theo những tiêu chuẩn kỹ thuật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện có rất ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu; sức cạnh tranh thấp; mẫu mã sơ sài, chưa bắt mắt; chưa thu hút được nhà đầu tư thực hiện các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại... Chính vì vậy, khi phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương cần phải tập trung vào một số yếu tố như: Thu hút các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể tham gia Chương trình. Từ đó, nhằm tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm có tính đặc trưng của vùng miền; ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản; lựa chọn, thiết kế bao bì để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...