Thái Nguyên hiện có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các nông sản gắn liền với địa danh trong tỉnh. Để nâng cao giá trị và khả năng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, những năm gần đây, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã chú trọng thực hiện hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các sản phẩm này.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: So với các tỉnh trong cả nước, những năm gần đây, Thái Nguyên được đánh giá là địa phương thực hiện tốt các công tác trong lĩnh vực SHTT, đặc biệt là bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản của tỉnh.
Để đạt được kết quả này, Sở KH-CN đã triển khai thực hiện hiệu quả các mảng công việc: Tạo lập, quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương; hỗ trợ phát triển, thương mại hóa sản phẩm; ứng dụng KH-CN nâng cao chất lượng sản phẩm được bảo hộ; xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT tại địa phương, Sở KH-CN đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Hiện tại, tỉnh đã có 21 sản phẩm đặc sản của địa phương được bảo hộ quyền SHTT, gồm: Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, “Chè Thái Nguyên” và một số nhãn hiệu chè ở các địa phương khác, gạo bao thai Định Hóa, hoa đào Cam Giá, bánh chưng Bờ Đậu, lúa nếp Thầu Dầu, nếp vải Phú Lương, miến Việt Cường, gà đồi Phú Bình, ổi Linh Nham, na La Hiên, bưởi Tân Quang... Đặc biệt, Sở KH-CN đã phối hợp với Cục SHTT (Bộ KH-CN) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” ra nước ngoài.
Theo đó, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ thành công tại Mỹ (năm 2016), Trung Quốc và Đài Loan (năm 2017), Nga (năm 2020). Dự kiến đến cuối năm 2021, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” sẽ được bảo hộ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh (Đại Từ) chia sẻ: Việc thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm chè có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giúp địa phương và những người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè như chúng tôi xây dựng thương hiệu, làm tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở KH-CN thường xuyên hỗ trợ phát triển, thương mại hóa, ứng dụng KH-CN nâng cao giá trị sản phẩm được bảo hộ. Sở đã tổ chức các lớp tập huấn cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về: Nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hội trợ triển lãm, trưng bày sản phẩm khi có những sự kiện quan trọng nhằm quảng bá sản phẩm của địa phương…
Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân có liên quan đến những nội dung nâng cao năng lực quản lý, sử dụng và khai thác giá trị của nhãn hiệu đã được bảo hộ; triển khai dự án hỗ trợ tập thể, cá nhân chăn nuôi, giết mổ gà đồi Phú Bình đúng quy trình, tiêu chuẩn được công bố; thực hiện bảo tồn nguồn gen na La Hiên, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình” đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong ảnh: Thời gian qua, người dân xóm Cà, xã Tân Khánh (Phú Bình) chú trọng phát triển chăn nuôi gà đồi. Ảnh: A.N
Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Năm 2018, Sở đã xử lý 5 vụ xâm phạm quyền SHTT đối với chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” và nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” với số tiền phạt gần 30 triệu đồng. Năm 2019, Sở tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” tại 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trong vùng chỉ dẫn địa lý (Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương) và 10 hộ kinh doanh chè tại các huyện: Đồng Hỷ, Đại Từ và T.X Phổ Yên; tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể (Chè Thái Nguyên, Chè La Bằng, Chè Vô Tranh...).
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đơn vị đã chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng các nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với chủ sở hữu, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời giúp cho các chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như các hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu, logo, hình ảnh trên bao bì sản phẩm, góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Nhờ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực SHTT, Sở KH-CN đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thương hiệu đặc sản địa phương, tạo điều kiện cho các sản phẩm truyền thống, có lợi thế của tỉnh tham gia hiệu quả vào Chương trình OCOP.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, đơn vị chịu trách nhiệm Chương trình OCOP của tỉnh cho hay: Toàn tỉnh hiện có 76 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Có thể khẳng định, bảo hộ quyền SHTT là tiền đề để các sản phẩm OCOP phát huy danh tiếng, uy tín, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Hiện nay, Sở KH-CN đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo ông Phạm Quốc Chính, thời gian tới, Sở sẽ phấn đấu số hóa toàn bộ tài sản trí tuệ nhằm quản lý trên môi trường số, liên thông trên toàn quốc để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo hộ quyền SHTT, sử dụng môi trường số để xử lý các vấn đề phát sinh, vi phạm thuộc lĩnh vực SHTT.