Tăng trưởng của Trung Quốc quý 1-2021 chủ yếu vẫn là xuất khẩu

15:11, 26/04/2021

Trong quý I-2021, phần lớn động lực tăng trưởng của Trung Quốc vẫn là xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng hơn 29%, trong đó xuất khẩu tăng tới gần 39% tính theo Nhân dân tệ.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý I-2021 đạt mức 18,3%. Con số này thấp hơn đôi chút so với dự kiến của một số nhà phân tích là 19%. Tuy nhiên 18,3% là mức tăng trưởng quý cao nhất mà Trung Quốc đạt được từ năm 1992 – thời điểm mà nước này chính thức công bố số liệu tăng trưởng hàng quý.

Ngoài ra, tăng trưởng GDP quý I-2021 của tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc lên tới 58,3%, cao nhất cả nước, sau khi giảm 5% năm 2020.

Đây là những con số chưa từng có trong lịch sử, nhưng tất cả đều nằm trong dự đoán của các định chế quốc tế và chuyên gia kinh tế. Có thể nói, khống chế thành công đại dịch COVID-19 là điểm mấu chốt cho tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc.

Quý I-2020 – thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất tại nước này, Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng âm đến 6,8%. Tuy nhiên sau khi kiểm soát dịch bệnh, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng đều từ quý II-2020 và đã quay trở lại mức tăng trưởng bình thường là 6,5% vào quý IV-2020.

Trong quý I-2021, phần lớn động lực tăng trưởng của Trung Quốc vẫn là xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng hơn 29%, trong đó xuất khẩu tăng tới gần 39% tính theo Nhân dân tệ.

Doanh số bán lẻ, vốn bị ảnh hưởng lớn vào năm ngoái do yêu cầu giãn cách xã hội, đã được cải thiện do Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế đi lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2, tăng gần 34% so với một năm trước. Đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng tăng nhanh, trong đó đầu tư tài sản cố định ở khu vực thành thị tăng gần 26%.

Sản xuất công nghiệp cũng tăng hơn 24%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đạt 45 tỷ USD, tăng tới 40% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2002 đến nay.

Đây là những yếu tố quan trọng khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I-2021.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng khá thận trọng với số liệu tăng trưởng này. Mặc dù GDP tăng tới 18,3% trong quý I-2021, nhưng số liệu thống kê của Trung Quốc cũng ghi rõ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ ở mức 0,6% so với quý trước đó, mức tăng trung bình trong quý đầu năm 2020 và 2021 chỉ ở mức khoảng 5%.

Như đã nói ở trên, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc vẫn là xuất khẩu, tiếp đó là đầu tư của chính phủ cho cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, số liệu đang giảm dần trong các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng và công nghiệp. Cụ thể là, sản lượng công nghiệp trong tháng 3-2021 chỉ tăng 14,1% so với năm ngoái, giảm mạnh từ mức 35,1% trong tháng 1 và 2-2021, đồng thời thấp hơn các dự báo trước đó. Tăng trưởng của đầu tư vào tài sản cố định cũng bắt đầu chững lại ở mức 25,6%.

Bên cạnh đó, mặc dù doanh số bán lẻ tiếp tục tăng hơn 34% trong tháng 3-2021, vượt mức dự báo là 28%, nhưng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn phục hồi với tốc độ chậm. Nguyên nhân chủ yếu là người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, vẫn chưa tự tin mở hầu bao trở lại.

Bà Lưu Ái Hoa, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng phải thừa nhận, mặc dù nền kinh tế nước này phục hồi bền vững, ổn định trong quý I-2021, nhưng nền tảng phục hồi chưa vững chắc, mâu thuẫn cơ cấu tồn tại lâu nay vẫn nổi cộm, trong quá trình phát triển tiếp tục xuất hiện một số tình hình mới, vấn đề mới.

Mặc dù khó có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kỷ lục trong các quý tiếp theo của năm 2021, nhưng theo dự báo của các tổ chức quốc tế và chuyên gia học giả, kinh tế của Trung Quốc vẫn có thể tăng từ 8%-9% trong năm nay, vượt xa mục tiêu mà nước này đề ra hồi đầu năm là 6%.

Nhìn chung, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại sau một năm phục hồi kinh tế từ COVID-19, nhưng điều này nằm trong tính toán và chủ trương phát triển của chính phủ nước này.

Tăng trưởng nóng không phải là điều Trung Quốc hướng tới. Ngay từ trước đại dịch COVID-19 năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chững lại. Các nhà chức trách Trung Quốc đang hướng trọng tâm phát triển sang chất lượng thay vì tốc độ. Duy trì đà phục hồi vững chắc mới là điều mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhắm tới.

Xét về trung và dài hạn, 5 năm tới được đánh giá là giai đoạn hết sức then chốt trong chiến lược phát triển của Trung Quốc, bởi đây chính là giai đoạn GDP của nước này vượt Mỹ, cũng là thời kỳ Trung Quốc phải có những đột phá trong nghiên cứu, phát triển công nghệ cốt lõi. Cục diện phát triển mới của nước này liệu có được thiết lập thành công hay không một phần lớn nhờ vào khả năng tự lực cánh sinh trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, việc thành công vượt qua bẫy thu nhập trung bình, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, cũng là một nhiệm vụ quan trọng được đánh giá là không kém gì mục tiêu “xây dựng toàn diện xã hội khá giả”, nhằm giúp Trung Quốc có một nền tảng kinh tế xã hội vững chắc để bước đầu thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, từng bước hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ./.