Tháo gỡ những "nút thắt" cuối cùng

09:41, 16/04/2021

Từ tháng 7-2018 đến nay, cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên và hệ thống chính trị ở các phường Quang Trung, Tân Thịnh, 2 xã Quyết Thắng, Phúc Xuân đã rất nỗ lực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án đường Bắc Sơn kéo dài. Tuy đã GPMB được phần lớn diện tích nhưng đến nay, những điểm vướng về mặt bằng còn lại của Dự án đều rất phức tạp.

Chậm tiến độ không chỉ do thiếu mặt bằng

Đường Bắc Sơn kéo dài được cấp có thẩm quyền cho phép khởi công xây dựng từ tháng 7-2018 với tổng chiều dài toàn tuyến là 9,5km, nối từ đường Lương Ngọc Quyến (phường Quang Trung) đến xóm Cao Trãng (xã Phúc Xuân) thuộc T.P Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT, do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) làm nhà đầu tư. Dự án đường Bắc Sơn kéo dài có vai trò quan trọng khi đi qua nhiều vùng lõi đô thị và kết nối giao thông giữa trung tâm T.P Thái Nguyên với Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, vùng chè đặc sản Tân Cương… Việc sớm hoàn thành tuyến đường này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn T.P Thái Nguyên, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện hữu. Đây cũng là một trong những giải pháp để tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư vào Khu du lịch hồ Núi Cốc và các khu vực lân cận, khai thác có hiệu quả giá trị và tiềm năng to lớn của khu vực này.

Việc thi công đường Bắc Sơn kéo dài tại một số điểm đã có mặt bằng sạch vẫn đang bị dở dang.  Ảnh: V.H 

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, UBND thành phố Thái Nguyên đã bồi thường, GPMB được 44ha đất của 770 hộ dân và 13 đơn vị, tổ chức (với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 732 tỷ đồng) và bàn giao trên 43ha (đạt 97,8%) cho chủ đầu tư. Phần diện tích trên 43ha này đủ để nhà thầu thi công các hạng mục công trình. Tuy nhiên, hiện nay, dọc tuyến đường Bắc Sơn vẫn tồn tại một số điểm thi công dở dang mặc dù không vướng mắc về mặt bằng. Ví dụ như ở điểm thi công 2 cầu vượt đường sắt và đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội không vướng về mặt bằng, thủ tục hợp long đã được Tổng cục Đường bộ cấp phép, nhưng nhiều tháng nay cả 2 cây cầu đều chưa được thi công tiếp. Tiếp đến là toàn bộ hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng theo thiết kế, gồm: thoát nước, cây xanh 2 bên đường, thảm hoa, chè, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt… đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ khu vực đảo tròn giao cắt với đường Tố Hữu đến xã Phúc Xuân vẫn chưa thi công xong. Mỗi lần đoàn của tỉnh đi kiểm tra thực địa, kiểm điểm tiến độ thi công tuyến đường, chủ đầu tư Dự án đều phải xin gia hạn thời gian thực hiện. Mới đây nhất, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tiếp tục xin gia hạn đến cuối tháng 8-2021 sẽ hoàn thành 100% tổng khối lượng xây dựng của Dự án… Như vậy, đến nay tuyến đường Bắc Sơn kéo dài vẫn chưa được hoàn thành, đưa vào sử dụng là do có cả nguyên nhân về năng lực của nhà thầu.
 
GPMB phải bảo đảm 3 điều kiện

Theo kết quả kiểm tra của tỉnh, trong quý I/2021, trên toàn tuyến vẫn còn 59 điểm vướng mắc về mặt bằng liên quan đến gần 30 hộ dân, với diện tích đất khoảng 1ha. Cụ thể: Đoạn từ Km1+959 - Km2+380 vướng mắc 18 điểm do T.P Thái Nguyên chưa bố trí được nguồn kinh phí chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng; đoạn từ Km0 - Km1+959 và Km2+500 - Km9+500 vướng mắc 9 điểm do còn 2 hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù. Một vấn đề nữa là một số công trình hạ tầng liên quan đến các ngành điện, viễn thông, cấp nước sinh hoạt nằm trong phạm vi thi công đường Bắc Sơn kéo dài cũng chưa được các ngành, đơn vị liên quan thực hiện di dời, gây khó khăn cho quá trình thi công.

Ông Đinh Công Ích, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường T.P Thái Nguyên:Tính đến ngày 15/4/2021, trên toàn tuyến của Dự án đường Bắc Sơn kéo dài chỉ còn 2 hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù và đất tái định cư để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Sau khi đã thực hiện toàn bộ quy trình, thủ tục đền bù, GPMB mà vẫn không nhận được sự hợp tác của 2 hộ thì các cơ quan chức năng sẽ tham mưu với UBND thành phố Thái Nguyên ban hành quyết định cưỡng chế”.

Trong khâu GPMB, khó khăn nhất là một số hộ dân phải di dời để bàn giao mặt bằng thi công nút giao giữa đường Bắc Sơn kéo dài với đường Z115 đề nghị có vị trí tái định cư tương đương nhưng cơ quan chức năng không đáp ứng được. Sau nhiều lần đối thoại, các hộ dân này đã chấp thuận nhận đất tái định cư, giá bồi thường tài sản và cam kết thời gian bàn giao mặt bằng. Điểm cuối của tuyến đường kết nối với đường nội bộ khu vực tổ chức Festival trà sau nhiều lần đối thoại vẫn còn một số hộ dân không hợp tác nên mới đây T.P Thái Nguyên đã tổ chức lực lượng bảo vệ thi công để bàn giao mặt sạch giao cho nhà thầu…

Với các điểm còn lại, về cơ bản người dân đã nhận tiền đền bù nhưng một số hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng với lý do chưa tìm được chỗ ở, tái định cư nên chưa thể xây dựng nhà mới… Để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân, UBND thành phố Thái Nguyên đã chỉ đạo cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định của pháp luật, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Theo ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên, không riêng Dự án đường Bắc Sơn kéo dài mà với cả các dự án khác trên địa bàn, khi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đền bù, GPMB đã được cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, thực hiện đầy đủ; cơ quan chức năng tổ chức đối thoại, lắng nghe và giải quyết hợp lý những nguyện vọng chính đáng của bà con nhưng các hộ chưa bàn giao mặt bằng, khiến dự án bị chậm tiến độ thì phải có biện pháp kiên quyết để bảo vệ thi công…