Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

11:00, 19/04/2021

Cúc Đường là một trong 6 xã khu vực phía Bắc thuộc nhóm khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn phát triển sản xuất để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Xã vùng cao Cúc Đường có diện tích tự nhiên lớn 3.400ha nhưng mật độ dân cư thưa với 712 hộ (trên 3.000 nhân khẩu), phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 94,5%). Điều kiện giao thông của xã dù được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Những năm trước đây, tư duy tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ manh mún khá phổ biến trong nếp nghĩ của không ít người dân nơi đây. Không ít người còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế này khiến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã luôn trăn trở.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Đường chia sẻ: Chúng tôi xác định, nhiệm vụ hàng đầu của địa phương là làm tốt công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, xã xác định cần phải thay đổi tư duy của người dân để họ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng những cách làm mới phù hợp. Để làm được điều này, chúng tôi đã tích cực vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, xã thường xuyên tổ chức đưa các bí thư chi bộ, trưởng xóm, nhóm hộ gia đình đi tham quan, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất tại một số địa phương trong và ngoài huyện; cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống đồng hướng dẫn bà con canh tác; hỗ trợ vốn, cây, con giống, máy móc... cho người dân. 

“Mưa dầm thấm lâu”, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với những cách nghĩ, cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế. Gia đình anh Vũ Văn Dương, xóm Tân Sơn là một ví dụ tiêu biểu. Không cam chịu cảnh làm ăn manh mún, hiệu quả thấp, năm 2017, anh Dương đã xây dựng trang trại trồng cây ăn quả hữu cơ với 1.000 gốc cam canh, cam vinh, cam V2, cam ruột đỏ. Ngoài ra, anh trồng 600 gốc bưởi da xanh, 300 gốc bưởi diễn, 100 gốc bưởi hoàng… Đến nay, gia đình đã cho thu hoạch những vụ quả đầu tiên với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Trước đó, anh Dương cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đều thuê thêm đất rừng trồng 10ha keo. Được biết, ở xóm Tân Sơn, ngoài gia đình anh Dương còn một số mô hình kinh tế khác cho thu nhập cao như mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lê Anh Tuyên, mô hình trồng rừng của gia đình ông Lương Văn Thơn… 

Đối với xóm Lam Sơn, phát huy lợi thế địa phương và kinh nghiệm sản xuất, bà con nơi đây đã chọn chăn nuôi là hướng đi chính để phát triển kinh tế. Chia sẻ với chúng tôi, anh Ma Khánh Lâm, người dân xóm Lam Sơn bày tỏ: Năm 2017, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Số tiền này tôi đầu tư mua 15 con dê. Đến nay, đàn dê của gia đình đã phát triển lên 30 con. Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần khấm khá hơn, năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo. Đầu năm nay, tôi tiếp mua thêm 2 con bò để mở rộng quy mô chăn nuôi. Còn tại xóm Bình Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây lại tích cực đưa cây chè vào sản xuất. Cả xóm hiện có khoảng 50/103 hộ trồng chè với tổng diện tích trên 14ha, chủ yếu là chè cành giống LDP1, năng suất đạt trung bình đạt 30 tấn búp tươi/ha/năm. Ở một số xóm khác, người dân tích cực tham gia các mô hình trồng cây dược liệu, trồng cỏ chăn bò, nhiều hộ mở rộng chăn nuôi gà thả vườn theo quy mô gia trại… 

Có thể nói, trên cơ sở định hướng đúng đắn, đời sống kinh tế - xã hội ở xã Cúc Đường đã thay đổi rõ rệt. Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến hết năm 2020, cơ cấu kinh tế của Cúc Đường là 80% nông, lâm nghiệp, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm 20%; giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu hàng năm tăng bình quân 7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% trở lên/năm, hiện còn 18,96%. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh: Cúc Đường đã có nhiều đổi thay so với trước đây nhưng vẫn là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Võ Nhai. Để tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, đồng hành, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.