Chè hiện đang là cây trồng mũi nhọn của huyện Đại Từ trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính bởi vậy, những năm qua, cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, cải thiện mẫu mã sản phẩm chè, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất luôn được huyện quan tâm, xem là yếu tố cốt lõi, quyết định đến gia tăng năng suất, chất lượng chè. Từ đó, đưa thương hiệu chè Đại Từ đến gần hơn với người tiêu dùng, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn hỗ trợ khuyến công của tỉnh, huyện Đại Từ triển khai 32 đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Trong đó, có 5 đề án hướng tới phát triển các sản phẩm chè thông qua hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến. Thực tế cho thấy, các chương trình hỗ trợ phát triển vùng chè đang dần phát huy giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực cho các đơn vị thụ hưởng.
Đơn cử như Hợp tác xã Chè Thanh Tình (HTX), ở xã Bản Ngoại. Ông Trần Thanh Tình, Giám đốc HTX chia sẻ: Đầu năm 2020, được hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công của tỉnh, chúng tôi đã đầu tư hệ thống sản xuất gồm: Máy diệt men, máy sao chè bằng gas và 30 máy vò inox với tổng trị giá gần 460 triệu đồng. Hiệu quả thấy rõ khi tôn sao chè bằng gas có công suất gấp 4-5 lần tôn quay đun bằng củi, chè làm ra không bị ám khói bụi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức sản phẩm cũng đẹp hơn nên được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất và bán ra thị trường trên 2 tấn chè các loại.
Ngoài nguồn hỗ trợ khuyến công, huyện đã triển khai, lồng ghép nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ người dân từng bước đưa máy móc vào sản xuất. Trong 4 năm (2017-2020), 20 hệ thống máy sao chè bằng gas đã được hỗ trợ cho 13 HTX và hộ sản xuất chè tại các xã: Hoàng Nông, La Bằng, Quân Chu, Minh Tiến… với kinh phí trên 2,8 tỷ đồng. Thông qua hỗ trợ, người dân được tiếp cận với thiết bị hiện đại, thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Từ đây, không ít HTX, cơ sở sản xuất chủ động đầu tư thêm máy móc, tự hoàn thiện cơ sở sản xuất của mình.
Anh Trịnh Văn Khánh, Giám đốc HTX Chè Hoàng Nông, xã Hoàng Nông cho biết: Ngoài 1 tôn sao chè bằng gas do huyện hỗ trợ hồi tháng 8-2020, HTX đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc với 14 tôn quay, 50 máy vò chè. Việc đầu tư máy móc đồng bộ giúp chúng tôi sản xuất được số lượng lớn, sản phẩm làm ra đảm bảo đồng đều về chất lượng, hình thức. Thay vì từng hộ tự sản xuất tại nhà như trước kia, thì nay các thành viên sau khi thu hái chè sẽ đem đến HTX để chế biến. Chất lượng chè ra sao, việc chăm bón có đảm bảo quy trình an toàn hay không đều thể hiện hết qua màu sắc của búp chè qua từng khâu chế biến. Với 10-15 lao động, mỗi ngày, HTX sản xuất được trên 150kg chè khô với giá trung bình 250.000-350.000 đồng/kg. Hiện HTX đang tập trung các điều kiện để đưa 2 sản phẩm là Hoàng Tâm Trà (chè đinh) và Trà Trịnh Gia (chè tôm nõn) tham dự OCOP với mong muốn khẳng định chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với sử dụng máy móc trong khâu chế biến, việc ứng dụng công nghệ cũng đang được các thành viên của HTX Nông nghiệp bền vững, ở xã Phú Cường thực hiện ngay từ quá trình trồng, chăm sóc chè. Theo đó, HTX xây dựng, áp dụng quy trình tưới tự động tích hợp 4 trong 1, gồm: nước, vi sinh, phân bón dạng lỏng và thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống tưới được cài đặt tự động, hết thời gian cài đặt sẽ tự động ngắt, từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và nhân công. Anh Trương Thủy Luân, Phó Giám đốc HTX cho biết: Để gia tăng hiệu quả sản xuất thì tất yếu phải ứng dụng công nghệ, nhất là trong bối cảnh nhân công làm chè ngày càng ít dần. Với chi phí đầu tư không quá lớn (khoảng 30-35 triệu đồng/ha) nhưng hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm đáng kể lao động, chi phí sản xuất, đặc biệt là kéo dài thời gian sản xuất trong năm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Từ năm 2016-2020, huyện Đại Từ cũng thực hiện hỗ trợ hệ thống tưới chè tiết kiệm trên tổng diện tích hơn 500ha cho hơn 2.200 hộ dân thuộc 30 xã, thị trấn. Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới trên 11,6 tỷ đồng. Hiện nay, các hộ dân đang sử dụng hệ thống tưới vào sản xuất, thâm canh cây chè, đặc biệt là diện tích chè thâm canh vụ đông. Từ đó, góp phần giảm nhân công lao động, hạn chế diện tích chè bị chết do thiếu nước vụ đông.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Chúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Xác định ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm sản xuất chè. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ và chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp giúp sản phẩm chè có chỗ đứng ổn định, từng bước nâng cao giá trị. Năm 2021, chúng tôi tiếp tục đề xuất hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm cho sản xuất chè vụ đông trên diện tích 100ha, hỗ trợ 10 máy sao chè bằng gas cho các xã, thị trấn…