Khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế

08:09, 05/05/2021

Những năm qua, cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng mở chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, Thái Nguyên hiện là một trong hai địa phương dẫn đầu 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc cả về nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay. Kết quả này phần nào cho thấy sự lớn mạnh cũng như những đóng của ngành Ngân hàng đối với quá trình phát triển của tỉnh.    

Tính đến cuối tháng 4-2021, tổng nguồn vốn huy động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt trên 88.020 tỷ đồng, tăng 18,63% so với đầu năm; dư nợ cho vay phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt trên 63.660 tỷ đồng, tăng 0,64%. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 20.123 tỷ đồng, với 172.493 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 31,98% trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì ở mức dưới 1% trong tổng dư nợ.

Một trong những thành tích nổi bật mà ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt được trong những năm qua là thực hiện tốt chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là chương trình được Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham mưu với UBND tỉnh chính thức triển khai thực hiện từ năm 2014. Nhờ thực hiện tốt sự kết nối nên giữa ngành Ngân hàng với khách hàng ngày càng có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, có sự tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, từ đó giúp cả ngân hàng và khách hàng cùng tồn tại và phát triển. Một trong những minh chứng rõ nét nhất đó là sự đồng hành vượt qua dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ cuối tháng 1-2020 đến tháng 4-2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện miễn giảm lãi suất với tổng dư nợ trên 7 nghìn tỷ đồng cho 7,5 nghìn khách hàng, số lãi được miễn giảm là trên 16 tỷ đồng; 11.952 tỷ đồng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 4.353 khách hàng; doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 45.380 tỷ đồng cho hơn 21.622 khách hàng. Thông qua chương trình kết nối, đối thoại, các doanh nghiệp ngày càng thể hiện sự đồng thuận cao với ngành Ngân hàng. Sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng giúp các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì sự phát triển ổn định của xã hội và nền kinh tế.

Với hệ thống thiết bị thông minh được trang bị tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, khách hàng có thể chủ động thực hiện các giao dịch.

Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Chi nhánh Thái Nguyên hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn có ý thức tự đổi mới để vươn lên, nâng cao năng lực chuyên môn, chủ động tiếp cận với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng, chấp hành tốt chế độ quản lý ngoại hối. Các ngân hàng xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bảo đảm quản trị rủi ro tốt, nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ, cải tiến tác phong làm việc của cán bộ, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Các ngân hàng đã đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn bảo vệ, duy trì sự thông suốt của dữ liệu trong hoạt động. Các thông tin dữ liệu được cập nhật liên tục theo hệ thống đã rút ngắn đáng kể công đoạn tra cứu, đẩy nhanh quá trình thực hiện các giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng. Hiện đại hóa công nghệ đã tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với đa dạng các dịch vụ ngân hàng với thời gian giao dịch nhanh nhất. Cụ thể là đối với giao dịch cùng hệ thống, khách hàng được thực hiện ngay với thời gian chỉ tính bằng vài chục giây hoặc 1-2 phút; còn đối với giao dịch khác hệ thống thì thời gian nhiều hơn không đáng kể. 

Với bề dày truyền thống, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Điều này phần nào được thể hiện qua số lượng các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn. Nếu như năm 1988, toàn tỉnh chỉ có 3 ngân hàng thương mại Nhà nước thì đến nay đã có có 34 đầu mối, trong đó có 28 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; 9 chi nhánh ngân hàng huyện, thành, thị trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT; 106 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng có trụ sở trên địa bàn tỉnh; 262 máy ATM và 1.652 máy POS được lắp đặt tại 1.514 địa điểm. Về khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cứ 100.000 người dân ở độ tuổi trưởng thành thì có 16,56 chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng và 29,1 máy ATM, 184 máy POS. Có 31% số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng tại địa bàn nông thôn trong tỉnh. Với mạng lưới rộng lớn bao phủ góp phần mang tới cho các doanh nghiệp và người dân những dịch vụ ngân hàng tốt nhất và tạo sự lựa chọn tối ưu cho khách hàng về ngân hàng phục vụ...

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng nói chung và Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào. Nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Tiếp tục phát huy truyền thống, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến trí tuệ và tâm huyết để hoạt động ngân hàng luôn đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và chuẩn mực quốc tế...