Ngành Tài chính - Ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số

09:39, 03/05/2021

Ngành Tài chính - Ngân hàng (TC-NH) được ví như huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Do đó, trong trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sôi động hiện nay, chuyển đổi số được hai ngành này xác định không chỉ là xu hướng, mà là bắt buộc để tồn tại, tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển. Ghi nhận về cách thức triển khai và những kết quả đạt được của hệ thống TC-NH trên địa bàn tỉnh.

Khoảng 3 năm trở lại đây, kế toán các doanh nghiệp (DN) đã không còn phải đến trực tiếp ngân hàng, mà chỉ với chiếc máy vi tính hoặc smart phone có kết nối internet là đều có thể thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước chỉ trong một vài phút. Cũng với các thiết bị thông minh này, người dùng có thể chuyển khoản thanh toán cho nhau dù ở bất cứ đâu hoặc thanh toán tiện điện, nước, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, gửi tiền tiết kiệm… 

Bà Nguyễn Thị Hà, kế toán một DN sắt thép, ở phường Tân Thành, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Nếu như trước đây, để nộp được tiền thuế vào ngân sách nhà nước, tôi phải trực tiếp đến ngân hàng, vào giờ hành chính, để nộp thuế vào tài khoản kho bạc. Vào thời gian cao điểm, có khi phải chờ đợi đến vài chục phút mới tới lượt. Nhưng giờ, với phương thức nộp điện tử, tôi có thể ngồi bất cứ chỗ nào, vào trang thuế điện tử, tự kê khai. Sau khi DN lập giấy nộp tiền sẽ gửi lên hệ thống ngân hàng. Ngân hàng sẽ tự động trích từ tài khoản người nộp thuế đến kho bạc. Với quy trình như vậy, DN đã hoàn tất việc nộp thuế. 

Với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện hầu như không còn khách hàng đến giao dịch trực tiếp. Trong ảnh: Công chức Kho bạc Đại Từ xử lý chứng từ khách hàng gửi đến trên máy vi tính. 

Không chỉ với khách hàng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các giao dịch còn giúp ích rất nhiều đối với cả các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ. Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Ngân hàng số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Nó giúp ngành ngân hàng nâng cao đáng kể năng suất lao động, rút ngắn thời gian tác nghiệp trong các khâu. Qua đó giúp giữ vững và gia tăng nền khách hàng. Nhận thức được những tiện ích này nên từ năm 2017, Hội đồng quản trị BIDV đã ban hành Nghị quyết về Định hướng phát triển ngân hàng số. Đến đầu năm 2019, BIDV đã cho ra mắt Trung tâm Ngân hàng số. Tháng 8-2020, BIDV đã phát động chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng, với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu”. Đây là một bước đi mạnh mẽ của BIDV trong nỗ lực chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn...

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên thông tin: Tính đến cuối năm 2020, hơn 90% ngân hàng Việt bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó gần 60% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Đồng tình với các quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bảo Hường, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh chia sẻ: Tính đến cuối năm 2020, KBNN Thái Nguyên đã cung cấp 9/11 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; tích hợp 7/9 DVCTT mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Phấn đấu đến cuối năm nay, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 và được tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% kho bạc trên địa bàn không còn giao dịch bằng tiền mặt. Đến năm 20230 trở thành kho bạc số. Khi đó, mọi giao dịch đều được số hóa và hệ thống sẽ ghi nhận được mọi bước của giao dịch với cơ chế kiểm soát điện tử đã thiết lập sẵn trong hệ thống.

Hiện cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng có khá nhiều thuận lợi trong phát triển ngân hàng số, như: Trên 50% dân số sử dụng smartphone, 130 triệu thuê bao di động, dân số dưới tuổi 35 chiếm trên 50%, thuê bao internet khoảng 67%...
 

Đối với ngành thuế, hiện tỷ lệ DN thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử hiện đạt trên 98%; 100% DN có số thuế được hoàn bằng phương pháp điện tử; khoảng 800 DN đã sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ người dân nộp lệ phí trước bạ phương tiện hoặc lệ phí trước bạ nhà đất bằng phương pháp điện tử cũng ngày càng tăng…

Cũng nằm trong tiến trình điện tử hóa, ông Huỳnh Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên thông tin: Đến nay, hầu hết các hoạt động quản lý về Hải quan như kiểm tra, giám sát hàng hóa, quản lý thuế… đã được đơn vị quản lý và thực hiện theo hình thức điện tử. Trong thời gian tới, khi triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới thì những thủ tục chưa được ứng dụng công nghệ thông tin đầy đủ như miễn giảm hoàn thuế, kiểm định hải quan…, doanh nghiệp sẽ không còn phải nộp hồ sơ giấy. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của ngành phấn đấu đạt 100% vào đầu năm 2023. Điều này giảm áp lực rất lớn cho cả DN và Hải quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cũng như công tác lưu trữ.

Có thể nói, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia, các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở đâu có chuyển đối số nhanh và thành công, ở đó sẽ có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo các chuyên gia kinh tế thì trước hết phải có những con người số, tư duy số, nghĩa là phải có tri thức, ý thức và kỹ năng làm việc nhóm và trên môi trường điện tử, đồng thời luôn biết đặt lợi ích tập thể, vì lợi ích của tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân… Với việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành nghị quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ về Chương trình chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục cho thấy sự cần thiết và những giá trị mà chuyển đổi số đã, đang và sẽ mang lại cho sự phát triển chung của tỉnh cũng như toàn xã hội.