Thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

15:05, 11/05/2021

Là quốc gia rộng lớn, Trung Quốc hứa hẹn vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường này hiện nay, các mặt hàng nông sản của Việt Nam cần đáp ứng nhiều quy định liên quan, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và quy cách đóng gói.

Tiềm năng lớn từ thị trường Trung Quốc

Theo TS Đào Việt Anh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, nhóm hàng nông, thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của Việt Nam sang thị trường này. Theo tính toán, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2020 đạt bình quân 14,3%/năm.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, về phía Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, thường xuyên, hiệu quả của các cơ quan chuyên môn giữa hai nước, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, sau một thời gian ngắn bị “đình trệ”, đã sớm được phục hồi.

Ghi nhận kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc năm 2020 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, với nhiều sản phẩm và thương hiệu có chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện nay, với quy mô dân số gần 1,5 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. Điều này cho thấy, với lợi thế sẵn có, nếu đáp ứng tốt các yêu cầu liên quan, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tận dụng cơ hội

Với cơ cấu hàng nông, thủy sản trao đổi song phương giữa hai nước có tính bổ sung lẫn nhau, bên cạnh đó là nhu cầu tiêu dùng linh hoạt, đa dạng, phong phú và nhất là với sức tiêu thụ lớn của Trung Quốc, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam được đánh giá đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành nhóm sản phẩm nhập khẩu chủ lực của thị trường này trong thời gian tới.

Trong khi đó, Việt Nam đang có cơ hội để tận dụng những lợi thế về ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.

Để tận dụng tốt những lợi thế này, Việt Nam cũng cần nhìn nhận những khó khăn của các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu sang thị trường này. Theo phân tích của TS Đào Việt Anh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, hiện nay, mặc dù chủng loại sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam phong phú và đa dạng, nhiều sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt, tuy nhiên do số lượng các sản phẩm này của Việt Nam được phía Trung Quốc chấp nhận mở cửa thị trường, cho phép được xuất khẩu chính thức còn rất ít nên chưa thể phát huy được hết lợi thế về nguồn cung để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.

Đặc biệt hơn, đó là việc hiện nay, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ, ngặt nghèo hơn so với trước đây cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói. Đồng thời, một số chủng loại sản phẩm nông, thủy sản của nước ta đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự đang tiêu thụ tại Trung Quốc và với các sản phẩm nông sản cùng loại do chính Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng trọt để chủ động đa dạng nguồn cung cho thị trường nội địa.

Thêm nữa, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông, thủy sản của nước ta còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức, do vậy, việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm này tại thị trường Trung Quốc chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử để có thể thâm nhập sâu hơn, có độ “phủ sóng” cao hơn trong thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc.

Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, TS Đào Việt Anh cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, phổ biến thông tin về chính sách, quy định nhập khẩu nông, thủy, sản của Trung Quốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhằm chủ động tổ chức sản xuất và có kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, thông qua mọi kênh và mọi cấp, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc nhằm mở rộng danh mục sản phẩm nông, thủy sản cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó đặc biệt chú trọng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có khả năng trở thành điểm tăng trưởng xuất khẩu mới của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước thông qua các hội nghị, hội thảo và hoạt động kết nối kinh doanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua nền tảng kỹ thuật số nhằm góp phần thúc đẩy thương mại nông, thủy sản song phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Hơn nữa, cần tích cực phối hợp để phát huy vai trò hệ thống các cơ quan Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm nông, thủy sản cũng như việc nắm bắt thông tin về các quy định, chính sách nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Trung Quốc và hệ thống phân phối tại thị trường Trung Quốc.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản, theo TS Đào Việt Anh, để nâng cao được năng suất và gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản sang thị trường này, cần tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Trong đó, hàng hóa cần có giá cả phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người dân sở tại. Đồng thời, chú ý đến việc có sản lượng đủ để cung cấp thường xuyên, lầu dài, đảm bảo tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan của Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN.

Thêm nữa, cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch” nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán. Chủ động theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh với thị trường này.

Cùng với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Các cấp độ thương hiệu này có sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, góp phần nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản của chính doanh nghiệp và giúp người tiêu dùng Trung Quốc nhận biết và lựa chọn mua sản phẩm của Việt Nam./.