Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế năm nay.
Là một trong số những quốc gia hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư đã đặt ra câu hỏi liệu đà phục hồi vững chắc của Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á, có bị ảnh hưởng tiêu cực hay không.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries đã khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế vào năm 2021.
PV: Trong báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á, ADB dự báo Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Vậy dựa vào yếu tố nào để ADB đưa ra nhận định nói trên?
Ông Andrew Jeffries: Với những dữ liệu kinh tế tích cực được công bố vào tháng Tư và tháng Năm vừa qua, chúng tôi lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trong đó, xu hướng phục hồi nhanh chóng tại Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu cũng tăng 36,4%. Cũng trong thời gian này, ngành chế tạo ghi nhận tăng trưởng 12,6%.
Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Kết quả là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng trong giai đoạn tháng 1-5/2021, giải ngân vốn FDI cũng tăng 6,7%. Cùng với đó, doanh số bán lẻ đã tăng 7,6%, bất chấp tác động của đại dịch đối với thị trường việc làm.
Mặc dù vậy, rủi ro đã xuất hiện khi vào tháng Tư vừa qua, đại dịch tái xuất hiện ở Việt Nam, trong khi việc triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng bị trì hoãn.
Đợt bùng phát thứ tư đang diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng đến các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ảnh hưởng đến các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây vốn là những điểm tập trung hoạt động sản xuất của nhiều thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử.
Nếu lực lượng lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng, lĩnh vực sản xuất -một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - chắc chắn sẽ bị cản trở. Ngoài ra, các kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam, nếu bị trì hoãn, cũng sẽ ngay lập tức tác động đến đà phục hồi kinh tế.
PV: Đại dịch COVID-19 đang làm biến đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển công nghệ mới và nắn chỉnh lại dòng đầu tư. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội từ xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó gia tăng sự tham gia vào dòng chảy cung ứng toàn cầu?
Ông Andrew Jeffries: Tôi cho rằng việc ưu tiên phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy sự hội nhập của khu vực tư nhân trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu là rất quan trọng.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển khu vực tư nhân kể từ sau quyết định Đổi mới năm 1986. Tuy nhiên, để khu vực tư nhân trở nên cạnh tranh và năng động hơn, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, tăng trưởng kinh tế hàng năm cần được duy trì ở mức trên 7%. Điều kiện tiên quyết để đạt được điều này là khu vực tư nhân phải hoạt động một cách năng động và cạnh tranh trong cả hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Hơn 95% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi chỉ có dưới 1,5% là doanh nghiệp vừa. Do đó, giữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và quy mô lớn đang tồn tại một khoảng trống.
Điều quan trọng là Việt Nam vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trưởng thành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu.
Để thực hiện điều này, các điều kiện như khả năng tiếp cận nguồn tài chính, đất đai, công nghệ, việc tăng cường kỹ năng quản trị doanh nghiệp và hợp lý hóa các thủ tục kinh doanh là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là một ưu tiên quan trọng trong thời gian tới. Sự xuất hiện của đại dịch đã nhấn mạnh vai trò của quá trình số hóa nền kinh tế, để từ đó tăng cường khả năng phục hồi, khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả. Tôi cho rằng việc Chính phủ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi này.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng đã nổi lên nhanh chóng. Ngành ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ điện tử trong năm qua với nhiều hình thức thanh toán di động đã được thí điểm nhằm hướng đến mục tiêu số hóa ngành ngân hàng và tăng cường các giải pháp tài chính toàn diện.
PV: Xin ông hãy chia sẻ một vài kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh dịch bệnh?
Ông Andrew Jeffries: Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chính phủ và công ty tư nhân đang sử dụng kỹ thuật số để đối phó với đại dịch COVID-19. Trong khi các quốc gia thường ứng phó với đại dịch bằng những gói hỗ trợ tài chính khổng lồ, nhiều chính phủ ở những nước đang phát triển lại đối mặt thách thức làm sao để giải ngân nhanh chóng và phân bổ tiền mặt đến những người dễ bị tổn thương một cách an toàn.
Giữa bối cảnh đó, việc sử dụng nhận dạng sinh trắc học và thanh toán kỹ thuật số sẽ giúp quá trình này diễn ra hiệu quả hơn. Thí dụ ở Philippines, có đến 70% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ thanh toán chuyển khoản.
Trong khi đó, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ cũng chuyển khoản trực tiếp đến những người lao động trong lĩnh vực phi chính thức bị mất việc làm vì đại dịch.
Đại dịch đã làm tăng tốc quá trình chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số đang diễn ra trên toàn cầu, đồng thời chứng minh vai trò quan trọng của công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phúc lợi xã hội.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính đến giữa tháng 4-2020, có khoảng 60 quốc gia đã triển khai làm việc từ xa trong khu vực công.
Kể từ tháng 4-2020, Chính phủ Brunei đã ra mắt danh mục thương mại trực tuyến (eKadaiBrunei). Danh mục liệt kê các cửa hàng tạp hóa trực tuyến, cửa hàng bách hóa, hệ thống giao hàng và nền tảng thanh toán cùng những dịch vụ khác.
Thông qua kênh này, Chính phủ Brunei hỗ trợ công dân tìm kiếm các dịch vụ thương mại điện tử một cách an toàn và thuận tiện trong bối cảnh đại dịch.
Tại Indonesia, chính phủ đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Lazada để giúp hơn 2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kỹ thuật số. Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của Jakarta nhằm khuyến khích những doanh nghiệp này phát triển mảng thương mại điện tử vốn đã trở nên cấp thiết vì đại dịch.
Trong khi đó ở Malaysia, chính quyền bang Sabah đã tung ra gói kích thích trị giá 56,2 triệu USD để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Gói này bao gồm các sáng kiến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh tế số.
Tại Việt Nam, đại dịch tạo ra động lực phát triển các phương tiện kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân liên quan đến các dịch vụ xã hội cơ bản, cũng như các hình thức dịch vụ mới không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như mua sắm trực tuyến hoặc thanh toán qua ngân hàng di động hoặc ví điện tử.
Tôi nhận thấy rằng có nhiều cơ quan và đơn vị đã được thành lập để xử lý quá trình chuyển đổi này. Trong khi đó, các công ty sử dụng lao động dường như nhận thức được sự thay đổi nên đã bắt đầu đào tạo lại nhân viên.
Bằng cách tận dụng cơ hội do những xu hướng này mang lại, tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế số trong tương lai.
ADB hiện đang hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo điều kiện thúc đẩy một hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ các giải pháp fintech nhằm hướng tới tài chính bao trùm.
Thông qua việc hợp tác với các đối tác dự án của Việt Nam, ADB cũng giới thiệu các giải pháp kỹ thuật số trong một số lĩnh vực chẳng hạn như giới thiệu hệ thống cảnh báo sớm thiên tai trong các dự án giảm nhẹ thiên tai ở khu vực miền Trung. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc phát triển các giải pháp số và giải pháp thông minh đô thị.
PV: Việc xuất hiện những điểm nóng lây nhiễm COVID-19 tại một số địa phương đã làm bộc lộ những vấn đề trong khâu phân phối nông sản. Đã xuất hiện tình trạng nông sản ùn ứ, khó tiêu thụ khi những địa phương này buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, trong khi hoạt động xuất khẩu bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, chính phủ cần làm gì để khơi thông dòng chảy nông sản trong những tình huống khẩn cấp, thưa ông?
Ông Andrew Jeffries: Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những cú sốc đối với chuỗi cung ứng thực phẩm, tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, vận tải và logistics. Hầu hết sự gián đoạn này là hậu quả của các chính sách giãn cách được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, khiến các thương nhân gặp khó khi tiếp cận một số khu vực thu hoạch nông sản nhất định.
Trong khi đó, người nông dân cũng gặp khó khăn khi phân phối nông sản đến các thị trường địa phương và bên ngoài do các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều địa điểm khác nhau.
Mặc dù vậy, trong năm ngoái ngành nông nghiệp Việt Nam đã duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ năm trước đó, bất chấp đại dịch COVID-19.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020 xuất khẩu rau củ và quả tại Việt Nam giảm 13% xuống còn 3,26 tỷ USD do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu trái cây lại tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,77 tỷ USD.
Có thể thấy, các biện pháp chủ động đẩy mạnh xuất khẩu, một khu vực nông nghiệp tư nhân năng động, sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ và các hiệp định thương mại tự do liên vùng mới được ký kết đã tạo ra lực đẩy lớn cho ngành nông nghiệp, từ đó mang lại hiệu quả xuất khẩu ấn tượng.
Trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi đánh giá cao việc chính phủ và các cơ quan chức năng địa phương đã nhanh chóng xúc tiến việc kiểm tra chất lượng và thông quan tại các cửa khẩu đối với những sản phẩm có giá trị cao, dễ hư hỏng, chẳng hạn như trái cây và rau quả.
Tuy nhiên, quá trình giải tỏa các rào cản phân phối nông sản cần nhiều hơn thế. Tôi cho rằng Việt Nam có thể ban hành hướng dẫn phân phối nông sản cụ thể cho từng khu vực được chọn lọc trong bối cảnh Covid-19, ban hành chỉ dẫn rõ ràng cho việc vận chuyển hàng hóa giữa khu vực bị phong toả và khu vực không có dịch, đàm phán với các đối tác thương mại về việc kiểm tra chất lượng chung và cấp chứng nhận kiểm dịch để tránh chậm trễ thông quan. Bên cạnh đó, việc cải thiện các tiêu chuẩn và quy định về an toàn thực phẩm cũng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn.
Xét một cách tích cực, đại dịch mang lại cơ hội để Việt Nam xác định các điểm nghẽn và lỗ hổng trong hệ thống sản xuất và phân phối nông sản, để từ đó xác định các biện pháp cải cách và đầu tư cần thiết nhằm tăng cường khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp trước một loạt các cú sốc trong tương lai và thách thức mới.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh vừa kích thích phát triển kinh tế bền vững của Chính phủ Việt Nam?
Ông Andrew Jeffries: Tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam có liên quan mật thiết đến khả năng kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Việc Việt Nam ngăn chặn thành công đại dịch là yếu tố quyết định kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020, bất chấp việc nhiều quốc gia khác đã chứng kiến suy giảm kinh tế vào năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, rủi ro tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn do các hạn chế liên quan đến sự tái bùng phát của đại dịch, nếu được kiểm soát tốt, sẽ cho phép hoạt động kinh tế trở lại bình thường sớm hơn.
Chúng tôi tin tưởng vào điều này bởi chính phủ và người dân Việt Nam đã tích lũy những kinh nghiệm quan trọng trong ứng phó với đại dịch và đã xây dựng các quy trình ngăn chặn hiệu quả.
Làn sóng lây nhiễm hiện tại của đại dịch COVID-19 với các biến thể mới đã được chính phủ xử lý một cách hiệu quả và cho đến nay gần như đã được kiểm soát. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu kép là vừa ngăn chặn đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế vào năm 2021.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các đợt bùng phát bất thường của đại dịch có thể sẽ tiếp tục xảy ra và sẽ gây ảnh hưởng đến một phần lực lượng lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp với mật độ tập trung lớn.
Trong khi đó, các biện pháp ngăn chặn dù hiệu quả sẽ không thể loại bỏ được những yếu tố không chắc chắn. Chính vì thế, “chìa khoá” duy nhất giúp đẩy lùi đại dịch và đảm bảo sự an toàn dài hạn cho người dân cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế là đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Xin trân trọng cảm ơn ông!