Số lao động qua đào tạo nghề tăng, tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%... là những kết quả nổi bật trong công tác lao động, việc làm của huyện Đại Từ thời gian qua. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với đặc thù là huyện thuần nông nên trên 80% lao động trên địa bàn huyện Đại Từ đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, huyện đặc biệt quan tâm đến việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức, phối hợp tổ chức trên 250 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung chủ yếu vào các nghề như: Trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè; kỹ thuật trồng rau an toàn; nuôi ong lấy mật; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi… Sau khi tham gia đào tạo nghề, người dân đã bước đầu thay đổi tư duy, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đáng chú ý, mô hình đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè sau đó đã được nhân rộng trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao giá trị của loại cây trồng mũi nhọn ở địa phương này.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn là gần 130.000 người, chiếm 73,6% dân số toàn huyện. Nguồn lao động dồi dào là một trong những yếu tố khiến huyện thu hút được nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư, như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư Quốc tế THAGACO… Thêm vào đó, những năm gần đây, việc triển khai thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị, dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã dẫn tới thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu đối với địa phương là cần có sự điều chỉnh trong xây dựng phương án đào tạo nghề sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội.
Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo các nghề nông nghiệp, chúng tôi còn mở thêm nhiều ngành nghề như: Sửa chữa máy móc, may mặc, điện tử, điện lạnh, tin học văn phòng, hàn điện… Riêng từ năm 2016 đến nay, huyện đã thực hiện đào tạo nghề cho trên 8.800 học viên, trong đó số học viên được đào tạo các nghề phi nông nghiệp chiếm đến 84%.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề của các cơ sở của huyện và tỉnh, địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho lao động trước khi tuyển dụng làm việc tại doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, trung bình mỗi năm, đơn vị phối hợp tổ chức từ 2-3 lớp đào tạo nghề cho lao động trước khi tuyển dụng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, công nhân Công ty chia sẻ: Trước khi vào làm việc, tôi đã theo học lớp may sơ cấp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Công ty tổ chức. Được “cầm tay chỉ việc” nên chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nắm chắc những kiến thức cơ bản về nghề may và có thể làm việc luôn trong dây chuyền của Công ty. Đến nay, tôi có trên 2 năm gắn bó cùng Công ty, với mức lương hằng tháng là 5-7 triệu đồng.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, có khoảng 1.800 lao động nông thôn của huyện Đại Từ được đào tạo nghề, số lao động được giải quyết việc làm sau đào tạo đạt 80%. Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng địa phương đã thực hiện đào tạo nghề được cho khoảng 300 lao động, toàn huyện có trên 1.500 lao động tìm được việc làm mới.
“Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, các dự án lớn tiếp tục được triển khai trên địa bàn, các nhà máy, cơ sở sản xuất với nhu cầu tuyển dụng lao động thường xuyên, liên tục thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động là tất yếu, nhất là khi huyện đang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí trở thành thị xã. Dự báo từ nay đến năm 2025, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sẽ đạt gần 50%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, khảo sát nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng nhằm xây dựng phương án đào tạo đảm bảo đúng người, đúng nghề và phù hợp với nhu cầu của xã hội” - ông Nguyễn Đình Sáng nhận định.