Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 địa phương có ca nhiễm COVID-19 là xã Dương Thành (Phú Bình) và xã Thành Công (T.X Phổ Yên). Cùng với việc nỗ lực khoanh vùng, dập dịch, các địa phương này cũng đang có giải pháp để vừa đảm bảo cuộc sống của người dân, vừa phát triển sản xuất, nhất là trong vùng thực hiện cách ly.
Chúng tôi đến xã Thành Công (T.X Phổ Yên), nơi vừa có 1 trường hợp mắc COVID-19 (ca thứ 3 trong tỉnh kể từ khi dịch bùng phát quay trở lại nước ta từ cuối tháng 4 năm nay), tại đây có 2 xóm Đầm Đanh và Làng Đanh đang bị phong tỏa, cách ly y tế. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Nho Huấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Tại 2 xóm này có 234 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Với đặc thù là xã thuần nông nên trước mắt vấn đề lương thực, thực phẩm đối với người dân 2 xóm cách ly không đáng lo ngại. Tuy nhiên, do đúng dịp thu hoạch lúa xuân nên việc giãn cách xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con. Vì cánh đồng lúa của người dân đều nằm trong xóm (trong khu vực cách ly) nên xã đã thông báo trên loa và triển khai tới người dân ký cam kết (tại 8 chốt kiểm dịch COVID-19 đặt tại 2 xóm) chỉ được ra khỏi nhà để gặt lúa, gia đình nào thu hoạch của gia đình đó; khi ra đồng không tụ tập đông người; trong quá trình thu hoạch yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Trường hợp sử dụng chung máy móc, thiết bị, công cụ thu hoạch thì phải thực hiện khử khuẩn trước khi bàn giao giữa những người sử dụng. Riêng đối với những hộ khó khăn, neo người, địa phương đã lập danh sách và chỉ đạo các tổ tự quản của xóm phân công người hỗ trợ thu hoạch nông sản…
Tương tự, các nguyên tắc đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong lao động sản xuất và đời sống thường nhật của người dân cũng được chính quyền xã Dương Thành (Phú Bình) chỉ đạo triển khai nghiêm túc. Đồng chí Nguyễn Văn Ái, Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành cho hay: Hiện trên địa bàn xã có 2 trường hợp mắc COVID-19 tại xóm Phẩm 2 và Phú Dương 2. Cùng với 2 xóm nêu trên đang bị phong tỏa thì 4 xóm liên quan gồm Phẩm 1, Phẩm 3, Phẩm 4, Giàng cũng đều đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Tổng số hộ dân của 6 xóm bị ảnh hưởng là 579 hộ với trên 2.600 nhân khẩu…Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền trên thống loa phát thanh để mọi người dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc các quy định thì chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể chủ động nắm rõ tình hình thông qua các thành viên Tổ tự quản và Chi hội trưởng tại 6 xóm, phát huy tinh thần “4 tại chỗ”. Ví như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã có phương án hỗ trợ trông coi nhà, ruộng vườn, thu hoạch lúa đối với trường hợp gia đình F0, F1 neo đơn phải đi cách ly tập trung; hỗ trợ mua hộ các nhu yếu phẩm cần thiết hoặc thức ăn chăn nuôi cho người dân và hộ chăn nuôi vùng cách ly… Ngoài ra, ngày 28-5 vừa qua, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Bình đã triển khai 4 điểm bán hàng (đặt ở trong và ngoài vùng cách ly) nhằm cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả bình ổn cho người dân vùng dịch khi có nhu cầu mua.
Điểm bán hàng bình ổn giá tại xã Dương Thành (Phú Bình).
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, song song với việc giúp người dân ổn định lao động sản xuất, công tác chăm lo đời sống cho người dân vùng dịch, vùng cách ly, đặc biệt là những trường hợp hoàn cảnh khó khăn cũng được các địa phương đặc biệt lưu tâm. Đơn cử như tại xã Dương Thành, khi xóm Phẩm 1 có một hộ nghèo có người thân qua đời trong đêm 20-5, ngay hôm sau Hội Chữ Thập đỏ xã đã đứng ra vận động, quyên góp, kết quả được trên 20 triệu đồng để hỗ trợ kịp thời cho gia đình lo liệu đám hiếu. UBND xã Dương Thành cũng đã hỗ trợ tạm thời gạo, gia vị, khẩu trang cho 17 hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong xã, và hiện nay xã vẫn tiếp tục thống kê, lập danh sách và lên phương án hỗ trợ cho các trường hợp gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thiếu lương thực, thực phẩm ở 6 xóm nếu dịch bệnh kéo dài…
Còn với xã Thành Công (T.X Phổ Yên), Ủy ban MTTQ, các hội đoàn thể xã đã vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm cùng chung tay, góp sức giúp người dân vùng cách ly ổn định cuộc sống…Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Dương Văn Hạnh, người dân xóm Làng Đanh cho biết: Khi có quyết định cách ly y tế, chúng tôi có chút hoang mang, lo lắng. Nhưng nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên của chính quyền địa phương, chúng tôi thấy yên tâm hơn và chấp hành nghiêm túc việc giãn cách xã hội theo quy định.
Có thể thấy, với sự vào cuộc, quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội, hiện nay đời sống người dân vùng cách ly cơ bản ổn định. Tuy nhiên, với đặc thù là các xã thuần nông, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giãn cách, cách ly tiếp tục kéo dài, người dân nơi đây đều mong muốn các cấp chính quyền địa phương cần có hướng dẫn, giải pháp cụ thể trong chỉ đạo sản xuất vụ mùa, có biện pháp tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho bà con nông dân vùng cách ly; cung cấp đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm, đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội cho người dân khu vực phong tỏa.