Quy hoạch 3 loại rừng gắn với tái cơ cấu lâm nghiệp

15:23, 21/06/2021

Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của quy hoạch trước đây, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, ngành Nông nghiệp đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và sử dụng bền vững, ổn định tài nguyên rừng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), có 18ha na trồng từ năm 1998. Tuy nhiên, đến năm 2014, toàn bộ diện tích này lại được quy hoạch vào đất rừng phòng hộ khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Bà Thu nói: Tôi rất mong Nhà nước xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.

Nỗi niềm của gia đình bà Thu cũng là nguyện vọng của nhiều hộ dân. Từ thực tế đó, Sở Nông nghiệp - PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, xác định diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ theo quy định, đưa một phần diện tích rừng phòng hộ ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhưng vẫn bảo đảm tỉ lệ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, việc quy hoạch phát triển 3 loại rừng đã và đang được thực hiện trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng là rà soát, điều chỉnh đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất để đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng rừng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.

Kết quả, tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh sau khi rà soát, điều chỉnh là 175 nghìn ha, giảm 4 nghìn ha so với trước đây. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 36 nghìn héc ta, rừng phòng hộ 37 nghìn héc ta và rừng sản xuất là trên 102 nghìn héc ta. Nguyên nhân giảm là do thay đổi địa giới hành chính giữa các tỉnh; chuyển đổi diện tích đất không đúng hiện trạng ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp và do thu hồi đất phục vụ các dự án.

Mục tiêu của việc quy hoạch 3 loại rừng là nhằm điều chỉnh quy mô đất lâm nghiệp và cơ cấu các loại rừng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và tình hình thực tế của địa phương, tích hợp với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình sử dụng 3 loại rừng trước đây. Đơn cử như rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc được quy hoạch thành rừng đặc dụng (năm 2014) với diện tích 6.000ha. Tuy nhiên, rừng khu vực này không đáp ứng các tiêu chí của khu dự trữ thiên nhiên và rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan. Khoảng 80% diện tích khu rừng được trồng keo, 10% là rừng phục hồi nghèo, còn lại là đất trống. Trong rừng không có động, thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Đến nay, sau khi rà soát, khu vực này đã được giữ nguyên là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, góp phần ổn định đời sống của hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hay đối với huyện Phú Bình, mặc dù tổng diện tích rừng sản xuất của huyện có 6.000ha nhưng có nhiều khu nhỏ lẻ, không liền vùng, liền khoảnh. Thêm vào đó, một số diện tích đất rừng sản xuất đã được quy hoạch phục vụ các dự án. Ông Hoàng Văn Thành, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: Theo quy hoạch, diện tích rừng sản xuất của huyện đã bị giảm sâu, từ 6.000ha xuống còn 3.900ha nhưng cơ bản người dân đều đồng thuận.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân. Đồng thời bổ sung, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn, hướng tới xuất khẩu…

 Có thể khẳng định, việc kịp thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu sử dụng đất, sử dụng rừng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với diện tích chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, tỉnh cần có giải pháp thiết thực, sát thực tế để vừa bảo tồn, phát triển rừng nhưng cũng đảm bảo an sinh cho người dân.