Người dân không phổ biến tâm lý mua nhiều hàng để tích trữ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào, giá cả ổn định… Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương dựa trên kết quả khảo sát tại nhiều cơ sở, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Nhằm bình ổn thị trường, ứng phó với mọi tình huống dịch COVID-19 có thể xảy ra, các cấp, ngành liên quan và nhiều cơ sở kinh doanh, thương mại đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm cung ứng hàng hóa cho nhân dân.
Siêu thị GO! (thuộc Trung tâm Thương mại - Siêu thị GO! Thái Nguyên) là cơ sở thương mại có quy mô hàng đầu tại tỉnh hiện nay với mặt bằng kinh doanh 18.000m2. Siêu thị hiện có 2 kho chứa hàng với diện tích tổng cộng trên 1.000m2. Ngay từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Siêu thị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu (như: Mỳ tôm, gạo và các loại thực phẩm). Theo kế hoạch, nếu thị trường tại Thái Nguyên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhu cầu của người dân tăng đột biến, Siêu thị sẽ nhanh chóng được cung ứng hàng từ tổng kho tại Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hùng, Giám đốc Siêu thị GO! Thái Nguyên cho biết: Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung hàng hóa của chúng tôi bởi Siêu thị đã chủ động kế hoạch từ trước. Mặt khác, nguồn cung hàng của Siêu thị không bị phụ thuộc nhiều vào các tỉnh có dịch. Tôi nhận thấy, sức mua tại Thái Nguyên rất tốt nhưng hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách đến Siêu thị giảm khoảng 50% so với tháng trước. Tại Siêu thị chúng tôi, giá bán các mặt hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu luôn được giữ ổn định theo chính sách của Tập đoàn.
Kho chứa gạo của một cơ sở xay xát thuộc Công ty TNHH Thái Hà Dương, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương).
Theo khảo sát của chúng tôi, cũng giống như Siêu thị GO! Thái Nguyên, các cơ sở kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn tỉnh đều có phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa, sẵn sàng đảm bảo nhu cầu của thị trường trong nhiều tình huống khác nhau. Nhìn chung, lượng hàng hóa bày bán tại các chợ, trung tâm thương mại từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi đều dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Điểm đáng chú ý là dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng giá cả hàng hóa không tăng, thậm chí chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 vừa qua giảm 0,21% so với tháng trước đó (tăng 1,8% so với cùng kỳ). Theo dự báo của Sở Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định trong tháng 6. Điều đó cho thấy nguồn cung hàng hóa dồi dào, cung - cầu khá cân bằng và đặc biệt là người dân không phổ biến tâm lý mua nhiều hàng hóa để tích trữ, kể cả khi tỉnh xuất hiện các ca bệnh COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Hà, đại diện Công ty TNHH Thái Hà Dương, chủ một cơ sở làm dịch vụ xay xát, kinh doanh thóc gạo tại xã Cổ Lũng (Phú Lương) chia sẻ: Khác với đợt dịch vào năm ngoái, gần đây không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ vì vậy giá thóc, gạo vẫn khá ổn định. Đang là mùa thu hoạch nên giá thóc còn có xu hướng giảm. Trong kho của chúng tôi hiện có trên 100 tấn gạo, chủ yếu cung cấp cho các đại lý trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, gần đây Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các cấp, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lưu thông hàng hóa; vận động, yêu cầu doanh nghiệp cam kết bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh xuất hiện tại địa phương. Đồng thời, phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá…
Ông Nguyễn Tân Chính, Trưởng Phòng Quản lý thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) thông tin: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhiều cơ sở thương mại về khả năng lưu chứa, cung ứng hàng, thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời báo cáo cơ quan chức năng triển khai các giải pháp điều tiết khi có bất thường.
Chủ động trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch cung ứng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Kế hoạch đặt ra yêu cầu theo sát diễn biến cung - cầu để có giải pháp phù hợp; kịp thời ngăn chặn các hành vi làm bất ổn thị trường, đồng thời hỗ trợ, phát huy vai trò của doanh nghiệp, cơ sở thương mại trong việc chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu. Các cấp, ngành liên quan của tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các địa phương khác để nắm bắt nguồn cung hàng hóa, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong trường hợp cần thiết.
Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, tình hình thị trường tại tỉnh hiện ổn định, nguồn cung hàng hóa luôn được đảm bảo, kể cả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân không nên lo lắng, mua hàng ồ ạt khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn và gây bất ổn thị trường.