Là một xã thuần nông còn nhiều khó khăn, do vậy, việc làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) quan tâm. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp phù hợp, đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Ông Lê Ngọc Kha, Chủ tịch UBND xã thông tin: So với mặt bằng chung của T.X Phổ Yên, Tân Phú là xã có xuất phát điểm thấp, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 70%. Xác định, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố then chốt để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thời gian qua, xã đã xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể nhằm từng bước giúp người dân phát triển kinh tế.
Với lợi thế có các khu, cụm công nghiệp đứng chân trên địa bàn thị xã, hằng năm, xã đã tạo điều kiện cho hơn 300 lao động địa phương vào làm việc tại các công ty, nhà máy. Xã cũng luôn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 7 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 200 đến trên 500 triệu đồng/năm.
Là một trong những điển hình phát triển kinh tế của xã Tân Phú, Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Hùng Sơn, ở xóm Hồng Vân đã liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản an toàn. Ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Được thành lập từ năm 2019, đến nay, HTX đã thu hút 10 xã viên tham gia trồng lúa; nuôi thủy sản; chế biến nông sản; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm… với diện tích canh tác hơn 4ha. Từ mô hình kinh tế tổng hợp này, bình quân mỗi năm, lợi nhuận HTX thu về đạt trên 1 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Với diện tích hơn 200ha đất nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ngoài việc đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy, xã Tân Phú cũng đã khuyến khích, hướng dẫn bà con đưa một số cây rau màu như ngô, ớt, dưa chuột vào trồng tập trung. Đơn cử như vụ đông năm 2020, hơn 200 hộ dân ở 4 xóm (Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình, Lợi Bến) đã đưa giống ngô ngọt SW1011 vào trồng với tổng diện tích 13ha. Ngoài khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, giống ngô trên còn cho bắp to, hạt vàng, năng suất đạt 6 tạ ngô tươi/sào (cao hơn giống ngô cũ trên 1,65tạ/sào). Đặc biệt, toàn bộ ngô sau khi thu hoạch đều được Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương thu mua với giá 9 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi trên 3,6 triệu đồng/sào. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trên, dự kiến vụ đông năm nay, xã sẽ đưa vào gieo trồng đại trà giống ngô ngọt SW1011 với diện tích 30ha.
Riêng đối với một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả ở xóm Phú Cốc, Lợi Bến, Đình…, xã Tân Phú đã định hướng bà con chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. Hiện, toàn xã có hơn 40 hộ dân tham gia trồng dâu, nuôi tằm với diện tích khoảng 10ha. Bà Trần Thị Thi, ở xóm Lợi Bến cho biết: So với cấy lúa thì việc trồng dâu cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bởi, cây dâu sau khi trồng 4-6 tháng có thể cho thu hái liên tục trong vòng 10 năm, thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Nếu gia đình nào kết hợp trồng dâu và nuôi tằm thì lợi nhuận có thể tăng gấp đôi, bởi con tằm ngoài thị trường được bán với giá khá cao, dao động từ 80-100 nghìn đồng/kg.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực của người dân, tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã Tân Phú đạt 40 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,3% (năm 2018 là 6,8%). Đời sống dần được nâng cao, người dân cũng tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động để hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Đến nay, trên 80% đường giao thông các loại ở xã Tân Phú đã được thảm nhựa hoặc cứng hóa; nhà văn hóa các thôn, xóm được xây dựng khang trang… Từ những kết quả đã đạt được, hiện nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập, phấn đấu đưa địa phương trở thành phường vào năm 2022.