Cung - cầu bất động sản đều tăng

07:12, 13/07/2021

Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, với mức tăng bình quân khoảng 15%/năm. Trong đó, sản phẩm BĐS tăng trưởng mạnh tại các dự án khu dân cư, khu đô thị do UBND cấp huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Với tốc độ giao dịch và đa dạng hóa sản phẩm như hiện nay, giá trị giao dịch trên thị trường BĐS của tỉnh trong năm 2021 được dự báo có khả năng đạt ngưỡng 10 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng nhanh

Nếu chỉ hiểu thị trường BĐS tăng, giảm theo nhu cầu mua đất xây nhà hoặc mua căn hộ chung cư trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì chưa đầy đủ. Vì, ngoài nhu cầu sử dụng đất để ở, xây dựng công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh thì quyền sử dụng đất, căn hộ còn là hàng hóa đặc biệt được phép chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố. Hơn nữa, trong thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm liên tục thì BĐS là một trong những kênh đầu tư an toàn hơn cả. Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân có tiền mặt gửi ngân hàng rút vốn và đầu tư vào BĐS với hy vọng giá đất tăng nhanh hơn so với lãi suất. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng hỗ trợ để kích cầu thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh, như: Tại các vùng có nhiều dự án đầu tư trong tỉnh, người dân được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng chuyển sang mua BĐS; một số nhà đầu tư nhỏ lẻ sau khi đã “chiến thắng” tại các dự án BĐS trong cả nước thì suy tính tỉnh Thái Nguyên là điểm “nóng” kế tiếp nên đã mua một lượng lớn các sản phẩm BĐS trên địa bàn để chờ tăng giá…

Qua phân tích của các nhà đầu tư BĐS, tỉnh Thái Nguyên có những lợi thế: Là một trong những cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội; trung tâm giáo dục, y tế lớn của cả nước; nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ngành Trung ương, chi nhánh, đơn vị thành viên của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước nên tập trung hàng vạn cán bộ đến công tác, định cư lâu dài và có nguồn tài chính kết dư. Hơn nữa, các khu, cụm công nghiệp tại: T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình và một số địa phương khác trong tỉnh cũng thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực BĐS công nghiệp.

Theo thiết kế, khu dân cư số 8 phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) được xây dựng hồ nước rộng 5ha, giá đất nền tại đây chỗ cao nhất là 25 triệu đồng/m2.

Đa dạng hóa sản phẩm

Với những lợi thế nêu trên, khối sản phẩm BĐS trên địa bàn tỉnh hiện nay không chỉ có đất nền mà gồm cả căn hộ chung cư, shophouse (vừa ở vừa kinh doanh), đất sản xuất, kinh doanh cấp quyền sử dụng 50 năm với diện tích từ 1.000 -2.000m2. Sản phẩm BĐS tại Thái Nguyên khá phong phú nên đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại T.P Thái Nguyên, ở những khu vực cách trung tâm 5-7km vẫn có quỹ đất có trị giá từ 400-500 triệu đồng/lô đất ở với diện tích 100m2. Nhưng tại một số tuyến phố lớn, như: Hoàng Văn Thụ, Phan Đình, Phùng, Lương Ngọc Quyến, Cách mạng Tháng Tám… của T.P Thái Nguyên, giá đất ở lần lượt từ dưới 20 triệu đồng/m2 đến 130 triệu đồng/m2. Riêng quỹ đất ở tại các khu đô thị hiện đại, như: Crown Villas, hồ Xương Rồng, Danko… có giá bán trên 10 tỷ đồng/lô đất ở biệt thự với diện tích 250-400m2. 

Về các căn hộ chung cư trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện đang tồn hàng với khối lượng lớn và giá giảm so với thời điểm năm 2019 trở về trước. Cụ thể, tại một số tòa nhà chung cư cũ do Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ xây dựng từ nhiều năm trước với diện tích 48-60m2 được giao dịch với giá 450-550 triệu đồng/căn. Một số tòa nhà đa năng chất lượng cao như Thái Nguyên Tower; chung cư bình dân như TECCO Thịnh Đán đều rất khó bán do thị hiếu của người dân chưa quen sống trong những chung cư cao tầng.

Xuất hiện việc đẩy giá, sốt “ảo”

Điều khác biệt là từ năm 2020 trở lại đây đã có một lượng lớn khách hàng ngoại tỉnh thông qua các sàn giao dịch, công ty môi giới tham gia góp vốn mua nhà, đất tại một số dự án trên địa bàn, từ đó thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường BĐS. Tại một số khu vực của T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên có hiện tượng đẩy giá đất, sốt “ảo”, như tại khu dân cư số 8, phường Túc Duyên (giá khởi điểm từ 9-10 triệu/m2 đã bị đẩy lên 25-30 triệu đồng/m2). 

Ông Trần Mạnh Phong, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Bắc cho biết: Các dự án BĐS làm tốt việc quảng bá, truyền thông, quy trình đấu giá công khai, minh bạch thì lượng khách ngoại tỉnh tham gia đấu giá vượt trên 50%. Ngược lại, những khu dân cư lẻ tại các huyện miền núi chỉ có khách hàng trong tỉnh tham gia đấu giá. Tuy nhiên, dù khách hàng trong hay ngoài tỉnh tham gia đấu giá thì giá trị các lô đất đều tăng gấp đôi so với giá khởi điểm. Quyền sử dụng đất là tài sản công do UBND cấp huyện đấu giá đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách hàng nên nếu còn quỹ đất sẽ bán hết ngay.

Theo các chuyên gia dự báo, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh vẫn sẽ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, để lành mạnh hóa thị trường, các chuyên gia, nhà đầu tư và nhân dân đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh giám sát chặt chẽ đối với chủ đầu tư các khu dân cư, khu đô thị không “nợ” hạ tầng, tiến độ theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền duyệt; việc mua bán trao tay, quyết định trúng đấu giá cần được thắt chặt và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất phải được thực hiện nghiêm ngặt. Khách hàng mua quyền sử dụng đất cũng nên tỉnh táo, tìm hiểu rõ thông tin để tránh mua phải sản phẩm bị đẩy giá quá xa so với giá trị thực.