Từ trung tâm xã Văn Hán (Đồng Hỷ), hỏi đường đến nhà ông Lý Công Nàm, xóm Cầu Mai, tôi được nhiều người dân cho biết: Ông Nàm và vợ cùng là cựu chiến binh (CCB). Vợ chồng ông sống gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, được người dân trong vùng quý mến.
Từng cùng sống trong môi trường quân đội, được rèn luyện trong điều kiện đất nước có chiến tranh, nên vợ chồng ông Nàm có lối sống nền nếp, giản dị. Không riêng tôi, những bạn lính cùng thời, rồi bà con lân cận đều có chung ấn tượng về vợ chồng họ bởi sự chân thành, cởi mở, dễ gần, dễ mến.
Bên ấm trà được sao suốt từ vườn nhà, câu chuyện vợ chồng ông dành cho tôi giòn tan như ngô rang trên chảo nóng. Cái thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” được khơi dậy, phơi phới một niềm kiêu hãnh trẻ trung chợt ùa về trên khuôn mặt 2 người lính năm xưa. Ông Nàm nhập ngũ năm 1971, là bộ đội đặc công, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn. Ông phục viên năm 1977, ký ức chiến tranh khép lại, nhưng vết đạn thù ở chân trái thường nhói đau, nhắc ông mỗi khi thời tiết chuẩn bị thay đổi. Ngoài vết thương trên da thịt, trong cơ thể ông còn mang một vết thương không mảnh đạn. Đó là chất độc da cam gặm nhấm sức khỏe từng ngày, di chứng ra nhiều thứ bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, vợ ông cho biết: Bác sĩ đặt vào lồng ngực ông ấy 3 stent để quả tim có nhịp đập bình thường… Bà không nói nhiều về chiến tranh. Chuyện bà quan tâm hơn mỗi ngày là phát triển kinh tế gia đình, dạy dỗ con cháu và chăm lo cho sức khỏe của chồng. Khi được hỏi về thời quân ngũ, bà vắn gọn: 5 năm (1971-1975), tôi làm quản lý hậu cần, làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh, bệnh binh tại Bệnh viện Quân y 91 (Quân khu I)… Năm 1977 thì gặp ông ấy trở về từ mặt trận phía Nam, cùng là lính cũ, vì thương mến nhau mà thành vợ chồng. Chúng tôi có 5 người con, song 1 cháu đã mất khi mới lên 4 tuổi, 1 cháu ngón tay giữa không có đốt.
Cuộc sống gia đình chồng chất khó khăn càng làm họ có thêm nghị lực. Ông Nàm kể: Mấy chục năm trước đất đai bỏ hoang nhiều, nên vợ chồng không nề nan cực nhọc, phát dọn lấy đất trọc trỉa gieo ngô, lúa nuôi nhau. Mỗi năm một chút, vợ chồng tôi có được gần 6ha đất các loại. Có đất, vợ chồng tôi cũng chủ động thiết kế lại vườn bãi, hơn 5ha đất đồi dốc đầu tư trồng rừng, 10 sào đất dưới chân đồi thuận nước, tôi san lấp, cải tạo thành ruộng cấy 2 vụ lúa, 6 sào đất đồi thoải dốc thì trồng chè. Từ gần 10 năm nay, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được hơn 4 tấn thóc, 1,5 tấn chè búp khô. Đỡ lời chồng, bà Loan cho biết thêm: Thóc dư không ăn hết, một phần xát gạo bán hoặc dành cho chăn nuôi gà, lợn. Còn chè, do đầu tư nâng cao chất lượng, sản xuất theo nhu cầu thị trường, từ 5 năm gần đây nhà tôi đã bán được giá 160.000 đồng/kg, tăng hơn 3 lần so với trước.
Không chỉ lo cho gia đình mình, vợ chồng ông Nàm, bà Loan còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ với anh chị em CCB và bà con lân cận kinh nghiệm sản xuất; sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Nhiều người trong vùng được ông bà giúp cho vay tiền vốn phát triển sản xuất không lấy lãi. Lo toan ổn định cuộc sống gia đình, ông Nàm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như làm công an viên, bí thư chi bộ. Còn bà Loan tham gia dạy, trông trẻ tại địa phương. Nhìn ngôi nhà sàn 5 gian cột vuông còn tươi mới màu ngói đỏ, ông xòe đôi bàn tay chai sạn, bảo: Tất cả đều từ đôi bàn tay lao động mà có. Còn bà nói nhẹ: Đầu năm 2021, vợ chồng tôi mới mua 1 xe ô tô 5 chỗ từ tiền bán sản phẩm rừng và chè.
Rất thân thiện, ông bà đưa tôi đi thăm khu ruộng mới gặt còn trơ lại gốc rạ; thăm nương chè đầy búp và vạt rừng chuẩn bị vào kỳ thu hoạch. Giữa khung cảnh thiên nhiên đầy sức sống, vợ chồng người CCB già vô tư trò chuyện. Với ông Nàm, công việc ruộng bãi và sự chia sẻ của người vợ giúp ông nguôi đi những đau nhức do mảnh đạn thù gây ra, quên đi thứ chất độc hóa học lặng lẽ tàn phá cơ thể và tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng những việc làm thiết thực.