Là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm cấp Quốc gia, với diện tích khoảng 25km2, dung tích chứa 175 triệu m3 nước, công tác vận hành, quản lý hồ Núi Cốc luôn được tỉnh và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm, nhất là trong mùa mưa bão hàng năm.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên,đơn vị quản lý hồ Núi Cốc, thông tin: Nguồn nước hồ Núi Cốc đang được khai thác sử dụng vào nhiều mục đích. Trong đó, mục đích chính là cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ đó thì việc vận hành hồ phải tuân thủ nghiêm túc và thực hiện đúng quy trình điều tiết.
Cụ thể, từ ngày 1 đến 25-7, Công ty tiến hành mở nước trên toàn hệ thống với lưu lượng xả trung bình 10m3/giây để phục vụ bà con gieo cấy lúa vụ mùa. Sau đó, từ ngày 26 đến 31-7, Công ty sẽ đóng nước toàn hệ thống và đến ngày 1-8 mới bắt đầu mở nước trở lại với lưu lượng 8m3/giây.
Những năm qua, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên luôn quản lý, khai thác hồ Núi Cốc an toàn, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên luôn bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình hồ Núi Cốc nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, chủ động ứng phó thiên tai.
Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, Công ty đã lập quy trình bảo trì công trình, vận hành cửa van; lắp thiết bị quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập. Đồng thời xây dựng phương án phòng, chống thiên tai với các kịch bản cụ thể và chuẩn bị đầy đủ vật tư nhằm kịp thời ứng phó mọi tình huống.
Mặc dù hồ Núi Cốc hiện vẫn đảm bảo hoạt động ổn định nhưng tại công trình đã xuất hiện những hạng mục bị xuống cấp như: Một số vị trí trên mặt đập chính và tường chắn sóng bị bong tróc; nhiều vị trí đập phụ bị hư hỏng, bong tróc có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương nhiều vị trí bị trượt, sạt bồi lấp, hư hỏng cục bộ... Nếu xảy ra mưa lũ dồn dập vượt tần suất thiết kế sẽ không đảm bảo an toàn; khả năng nước dâng đột ngột phía thượng lưu làm ngập lụt, áp lực đối với các công trình (đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước...) có thể xảy ra.
Cùng với đó, các thiết bị cơ khí hiện đang bị ôxi hóa mạnh, nếu để kéo dài sẽ hư hỏng không còn khả năng sửa chữa, không đảm bảo an toàn công trình.
Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã đề nghị UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc duy tu, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng, lắp đặt hoàn thiện hệ thống thiết bị quan trắc công trình, thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát vận hành và thiết bị thông tin cảnh báo an toàn hạ du... Qua đó đảm bảo an toàn hồ chứa và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cấp nước phục vụ sản xuất.