Xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện Phú Lương đã tập trung nhiều giải pháp để vận động hội viên tham gia liên kết sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Đức Phúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: Trước đây, các hội viên nông dân chủ yếu phát triển sản xuất theo cá thể, mạnh ai nấy làm. Điều này khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, sản phẩm bị dư thừa, giá trị hàng hóa giảm mạnh. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là công tác xây dựng các mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), tổ hội nghề nghiệp để giúp nông dân liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Theo đó, Hội Nông dân huyện đã tập trung tuyên truyền, tăng cường thông tin cho cơ sở, hội viên về lợi ích của kinh tế tập thế; hướng dẫn hội viên trình tự, thủ tục để thành lập THT, HTX. Các cấp Hội còn vận động nông dân tham gia học nghề để nâng cao kỹ năng và trình độ sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, Hội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 66 lớp dạy nghề nông nghiệp cho hội viên nông dân.
Cùng với đó, Hội còn chú trọng tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất. Tính đến nay, đã có trên 2.900 hộ hội viên nông dân được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ hơn 124 tỷ đồng; hơn 2.200 hộ hội viên vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ trên 225 tỷ đồng.
Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội Nông dân huyện Phú Lương đã xây dựng 8 dự án cho 86 hộ hội viên vay vốn với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần giúp hội viên thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trên cơ sở các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội Nông dân huyện Phú Lương còn chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời, dựa trên thế mạnh về sản xuất của từng địa phương để rà soát, vận động thành lập các tổ hội nghề nghiệp và THT, HTX nhằm tăng cường liên kết trong sản xuất.
Đến nay, Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn thành lập được 13 HTX, 11 THT, 14 tổ hội nghề nghiệp (tăng 35 mô hình so với năm 2018) với đa dạng các ngành nghề như: Trồng và chế biến chè, trồng cây dược liệu, trồng và kinh doanh đào cảnh; nuôi ong lấy mật… Nhiều mô hình kinh tế tập thể đã phát huy được hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao như: THT nuôi gà an toàn tại xóm Gia Trống, xã Yên Đổ; THT nuôi ong xã Động Đạt; THT trồng bưởi diễn tại xã Cổ Lũng; THT sản xuất chè VietGAP tại xóm Quyết Tiến, xã Tức Tranh; Tổ hội trồng và kinh doanh đào cảnh tại xóm Làng Chảo, xã Động Đạt… Toàn huyện đã có 5 sản phẩm nông nghiệp của các mô hình kinh tế tập thể được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, như: Mật ong của THT nuôi ong xã Động Đạt; chè Tôm nõn của HTX chè Khe Cốc; gạo nếp vải xã Phủ Lý…
Ông Bùi Văn Thành, Tổ trưởng THT nuôi ong xã Động Đạt chia sẻ: Được sự hướng dẫn của Hội nông dân xã, các hộ nuôi ong nhỏ lẻ ở địa phương liên kết với nhau để thành lập THT. Đến nay, sau 2 năm thành lập, đàn ong của THT ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện, ngoài xuất bán mật ong, chúng tôi còn bán ong giống. Riêng năm 2020, THT xuất bán được trên 7.000 lít mật; gần 400 đàn ong giống, mang lại thu nhập khá cho các thành viên.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò của kinh tế tập thể; hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu…