Phát triển kinh tế tập thể: Gắn bó vượt qua khó khăn

08:25, 03/07/2021

Trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã khẳng định được vai trò kết nối, tạo dựng uy tín, sức mạnh giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, trở thành “trụ” đối xứng với các thành phần kinh tế khác của đất nước. Tại Thái Nguyên, kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định được vai trò là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.  

Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây tác động toàn diện, tiêu cực đến các thành phần kinh tế nói chung, kinh tế tập thể nói riêng thì mối quan hệ, tình cảm, trách nhiệm của thành viên các HTX, THT trên địa bàn tỉnh ngày càng mật thiết hơn. Nhiều hộ gia đình, cá nhân cũng nhận thấy cần gắn kết lại để tập hợp tư liệu sản xuất, vốn… thì mới có cơ hội tồn tại và duy trì sự phát triển trong điều kiện khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, những tháng đầu năm nay, số lượng THT, HTX trên địa bàn tỉnh đã tăng. 
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 30 THT thành lập mới, nâng tổng số THT lên 4.510 tổ, với trên 73.500 thành viên và người lao động. Các THT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, vay vốn tín dụng, dịch vụ vận tải, sửa chữa, kinh doanh thiết bị điện gia dụng, dịch vụ môi trường... 

Các THT là hình thức hợp tác đơn giản, không có tư cách pháp nhân, chủ yếu hợp tác với nhau theo mùa vụ, có quy mô nhỏ, hoạt động linh hoạt nên đã đáp ứng được nhu cầu về vốn, lao động và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hộ thành viên phát triển kinh tế tốt hơn. Về phần các HTX cũng có sự phát triển mới, toàn tỉnh hiện có 600 HTX với trên 42.500 thành viên và người lao động. Để đủ khả năng cạnh tranh, một số HTX đã kết nối với nhau để thành lập 4 liên hiệp HTX với tổng số vốn điều lệ trên 33 tỷ đồng. Các liên hiệp HTX tuy mới hình thành và đi vào hoạt động, song đã thực hiện tốt việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ tốt hơn cho các HTX thành viên.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, khối kinh tế tập thể của tỉnh đã duy trì việc làm ổn định cho các xã viên, người lao động, với tổng doanh thu đạt trên 3.100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân tại các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 3-4,5 triệu đồng/người/tháng, HTX hoạt động lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các THT, HTX, liên hiệp HTX trong tỉnh ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao. Nhiều đơn vị đã năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đơn cử như HTX miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) những năm gần đây đã phát triển khá mạnh, sản phẩm miến dong của HTX trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh. Bình quân mỗi năm, HTX miến Việt Cường xuất bán 600-700 tấn miến ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, cùng với việc có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong cả nước (như: Coo.op Mart T.P Hồ Chí Minh, Intermax Hà Nội, Dabaco Bắc Ninh...), một số sản phẩm của HTX còn được xuất khẩu sang các thị trường Lào, Thái Lan và được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Mặc dù các THT, HTX trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các đơn vị đều đã chủ động khắc phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Liên minh HTX tỉnh đã định hướng cho các THT, HTX tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đồng thời cũng là những mặt hàng thiết yếu với đời sống xã hội để dễ tiêu thụ. Hiện nay, phần lớn các HTX chuyên về sản phẩm chè đã chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết vùng sản xuất để gắn với phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm.

Cùng với đó, nhằm hỗ trợ bà con nông dân và các HTX, THT nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị chức năng tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Cụ thể như Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tăng cường đưa các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh (như: Chè, nấm, mỳ gạo…) lên sàn thương mại điện tử (tại địa chỉ: http://thainguyentrade.gov.vn) để quảng bá, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản an toàn. Đối với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã hỗ trợ, cấp xác nhận cho 5 chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn... Để hỗ trợ kịp thời các THT, HTX giải quyết những khó khăn đang tồn tại, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tập trung hướng dẫn các đơn vị thành viên có nhu cầu vay vốn xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để giải ngân nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm; thực hiện chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; xúc tiến thương mại qua các kênh của tỉnh và trong nước, hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới...