Việc một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh bị thiếu nguồn đất san lấp hợp pháp, ảnh hưởng đến tiến độ là thực trạng khá phổ biến khi các địa phương và ngành liên quan đồng loạt thắt chặt quản lý, quyết liệt ngăn chặn tình trạng đất trái phép theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhưng ở chiều ngược lại, không ít chủ đầu tư và nhà thầu lại đang gặp khó khăn, phải loay hoay tìm cách xử lý lượng đất thừa để triển khai dự án, trong khi địa phương và ngành chức năng cũng vất vả trong công tác quản lý.
Trường hợp Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (trụ sở ở xã Minh Đức, T.X Phổ Yên) là một ví dụ điển hình. Được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, giao đất xây dựng nhà máy chế biến rác thải tại khu vực có nhiều đồi núi, để tạo mặt bằng, doanh nghiệp này phải san lấp, vận chuyển khối lượng lớn đất, đá. Tháng 7-2018, Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác, vận chuyển đất san lấp ra khỏi Dự án để tạo mặt bằng mở rộng nhà máy. Đến đầu năm 2020, việc xử lý mặt bằng đang được triển khai gấp rút thì bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên phải tạm dừng.
Đến giữa năm 2020, khi dịch COVID-19 tạm lắng, Công ty tái khởi động xử lý mặt bằng thì giấy phép khai thác, vận chuyển đất hết hạn. Hàng vạn m3 đất chưa được chuyển đi khiến kế hoạch mở rộng nhà máy không thể triển khai. Vì bí bách về mặt bằng, trong khi nhiều công trình, dự án gần đó đang cần đất san lấp nên Công ty đã đồng ý cho “đầu nậu” vận chuyển đất đi. Hoạt động này bị người dân và báo chí phản ánh, chính quyền vào cuộc chấn chỉnh, xử lý nên lập tức phải dừng lại. Từ đó đến nay, việc thực hiện kế hoạch mở rộng nhà máy chế biến rác thải của doanh nghiệp này vẫn “giậm chân tại chỗ”…
Do còn lượng lớn đất thừa chưa được chuyển đi để tạo mặt bằng nên Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (ở xã Minh Đức, T.X Phổ Yên) chưa thể mở rộng sản xuất theo kế hoạch.
Cũng liên quan đến việc xử lý đất thừa trong phạm vi dự án, thời sự nhất hiện nay phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II. Dự án có quy mô 250ha (chưa kể diện tích mở rộng mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đang trong giai đoạn “nước rút” về giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng hạ tầng để bàn giao mặt cho các nhà đầu tư. Theo thông tin từ chủ đầu tư hạ tầng là Ban Quản lý các KCN tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Sông Công, đến nay, trong tổng số 250ha của Dự án chỉ còn khoảng 8ha chưa được GPMB liên quan đến 69 hộ dân. Có mặt bằng đến đâu, các nhà thầu nhanh chóng triển khai san lấp đến đó để kịp tiến độ.
Tuy nhiên, những bất cập, khó khăn trong việc xử lý lượng đất thừa đang ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công Dự án cũng như việc xây dựng nhà máy của một số doanh nghiệp. Ông Nông Quốc Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng KCN (thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: Theo thiết kế ban đầu, Dự án sẽ cân bằng đào đắp đất trong phạm vi. Giai đoạn 1 bị thiếu đất san lấp, phải vận chuyển từ nơi khác đến (do là khu vực bằng phẳng và vùng trũng), trong khi diện tích giai đoạn 2 lại có nhiều đồi núi nên lượng đất thừa khá lớn. Thêm vào đó, các nhà đầu tư thứ cấp khi xây dựng nhà máy cũng làm phát sinh lượng đất thừa lớn từ việc đào móng và làm hệ thống ngầm, bể chứa nước.
Theo rà soát, tính toán của các nhà thầu và nhà đầu tư, chưa kể lượng đất phong hóa, khối lượng đất dư thừa tại Dự án KCN Sông Công II lên đến trên 120.000m3. Trong khi chưa được cấp phép vận chuyển ra ngoài (trừ đất phong hóa), chủ đầu tư và nhà thầu buộc phải bố trí các khu vực chứa tạm thời. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai thi công đồng bộ, làm phát sinh một khoản chi phí không nhỏ để xử lý lượng đất thừa sau đó và ảnh hưởng đến cảnh quan...
Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và sở, ngành liên quan hướng dẫn, xem xét cấp phép khai thác, vận chuyển lượng đất thừa tại Dự án này. Trong khi chờ được cấp phép, cùng với việc bố trí, hướng dẫn các nhà thầu tìm nơi chứa đất tạm thời, Ban đã siết chặt quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển đất trái phép.
Ngoài 2 dự án này, trên địa bàn tỉnh còn không ít công trình, dự án đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ vì lượng đất dư thừa chưa được giải phóng. Có thể kể đến như: Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên); Dự án xây dựng Trường THPT Đội Cấn (huyện Đại Từ); xây dựng Kho 602 (T.X Phổ Yên)… Chưa kể nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu hạ thấp độ cao, xử lý mặt bằng để xây dựng, sản xuất.
Theo quy định của pháp luật thì đất san lấp là một loại khoáng sản, việc khai thác, vận chuyển phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, bất kể khối lượng lớn hay nhỏ (trừ việc vận chuyển trong phạm vi một dự án). Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Tuy vẫn còn những bất cập nhưng chúng ta phải thực hiện nghiêm quy định hiện hành đến khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sửa đổi. Để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu đất san lấp, Sở và các ngành liên quan đang tích cực hướng dẫn, rút ngắn thời gian thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác, vận chuyển cho những tổ chức, cá nhân có đầy đủ hồ sơ pháp lý…
Cùng với hướng dẫn, tháo gỡ, tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xử lý đất thừa để tạo mặt bằng, các cấp, ngành liên quan cũng đang tiếp tục tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng vận chuyển đất lậu gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông như đã xảy ra ở một số nơi; nhất là những trường hợp lợi dụng xử lý mặt bằng để khai thác, vận chuyển đất trái phép; không xin cấp phép để trốn thuế…