Dịch COVID-19 làm 56% số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, 3% chịu tác động nghiêm trọng phải tạm dừng hoặc ngừng hẳn hoạt động… Theo kết quả khảo sát trực tiếp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đối với các nhà tuyển dụng lao động cho thấy: Dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề. Muốn tồn tại, phát triển, các DN phải không ngừng nỗ lực để vượt qua khó khăn.
Vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh - “mục tiêu kép” Chính phủ đặt ra được ví như một mệnh lệnh, thôi thúc các DN phát huy tính chủ động, sáng tạo. Từ đó, xây dựng các phương án ổn định hoạt động, tìm hướng phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong tình hình mới.
Đồng hành với các DN là sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, giúp các DN “tìm lối ra” trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ông Trần Lê Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên chia sẻ: Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Công ty thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, duy trì tốt quan hệ với các khách hàng truyền thống, mở rộng khai thác thêm thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm của đơn vị tồn kho khá lớn, doanh thu giảm 50% so với những tháng cùng kỳ năm trước.
Thực tế cho thấy, để duy trì, phát triển ổn định, các DN trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực đưa ra nhiều kịch bản khác nhau nhằm ứng phó hiệu quả với từng giai đoạn cụ thể. Ông Kim Dae Su, quản lý chung tại Công ty TNHH KSD Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) cho biết: Công ty có trên 1.000 lao động, chuyên sản xuất dây sạc điện thoại. Để bảo đảm an toàn sản xuất, chúng tôi rất coi trọng sức khỏe của người lao động (NLĐ), đặc biệt là việc thực hiện tốt quy định 5K…
Công nhân trong dây chuyền sản xuất dây sạc điện thoại tại Công ty TNHH KSD Vina.
Có mặt ở đó, bà Lê Thị Thu, nhân viên làm công tác quản lý nhân sự cho biết thêm: Hằng ngày, Công ty thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các khu vực nhà xưởng, bếp ăn tập thể; kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, thực hiện nghiêm quy trình “5S” (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng) trong sản xuất. Đặc biệt, 15 lao động thực hiện cách ly y tế được Công ty hỗ trợ hơn 3 triệu đồng/người; 100% lao động được giảm đóng bảo hiểm xã hội.
Còn theo ông Baek Seung Hun, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bjsteel Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công I): Để bảo đảm sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ năm 2020 đến nay, các chuyên gia người nước ngoài của Công ty tự giác hạn chế việc đi lại thăm gia đình. Công ty coi nhiệm vụ phòng, chống dịch chính là “bức tường lửa” hạn chế sự lây lan, không để dịch bùng phát trong DN cũng như ngoài xã hội.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải nói: Đặc thù của đơn vị là làm việc phân tán, đi theo công trường. Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho hơn 70 lao động của Công ty, chúng tôi thường xuyên quán triệt tới NLĐ phải nghiêm túc chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch, không đi đến các vùng có dịch và phải khai báo y tế khi đi ra ngoài tỉnh.
Tương tự, tại nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh, cùng với việc chú trọng ổn định sản xuất thì công tác phòng dịch cũng được triển khai rất nghiêm ngặt. Ông Lê Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên cho hay: Do làm tốt công tác phòng, chống dịch nên mọi hoạt động của Công ty bảo đảm an toàn. Trong 7 tháng đầu năm nay, Công ty đã sản xuất được trên 400.000 tấn sản phẩm, không có hàng tồn kho, tổng doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 18 tỷ đồng, thu nhập bình quân của NLĐ đạt gần 11 triệu đồng/người/tháng...
Còn tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, ông Lưu Trung Dũng, Chánh Văn phòng Công ty thông tin: Từ tháng 5 đến đầu tháng 8 năm nay, một số công nhân trong đơn vị phải chấp hành cách ly. Công ty cũng đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; toàn bộ NLĐ được bộ phận y tế lập sổ theo dõi, giám sát và báo cáo tình hình sức khỏe từng ngày. Việc bố trí ăn ca cũng thay đổi, với bộ phận sản xuất trực tiếp được chuyển suất ăn tới từng vị trí làm việc; khối hành chính sử dụng bữa ăn ca tại nhà ăn của Công ty, số lượng không quá 20 người/phòng tại một thời điểm, các bàn ăn có tấm chắn ở giữa. Công ty cũng đã tổ chức xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 ngẫu nhiên hằng tuần cho NLĐ theo quy định...
Vừa cảnh giác cao độ với dịch COVID-19, lại đồng thời tập trung tổng lực để tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực hết mình, quyết liệt thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Ghi nhận trong gian khó, nhiều DN không chỉ trụ vững mà còn vượt lên, tích cực đóng góp cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Đó là điểm sáng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.