Kỳ 4: Đưa hương chè bay xa Chè Thái Nguyên là thương hiệu cộng đồng, hội tụ nhiều ý nghĩa về vật chất và tinh thần, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, phát triển thương hiệu “Đệ nhất danh trà” là sứ mệnh, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương, nhà khoa học và cao hơn là ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây chè...
Thương hiệu và lợi nhuận
Nước ta hiện có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, nhưng Thái Nguyên là địa phương đứng đầu về diện tích, năng suất, sản lượng cũng như giá trị sản phẩm chè. Tiếp đến là các tỉnh: Hà Giang (20.500ha), Phú Thọ (16.000ha), Lâm Đồng (12.300ha)… So với các tỉnh bạn, chè Thái Nguyên đã có vị thế và được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước đón nhận.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên: “Để bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên thì việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm là rất cần thiết. Không chỉ có nông dân cần liên kết mà ngay cả doanh nghiệp, hợp tác xã cũng nên hợp tác với nhau trong chuỗi sản xuất hàng hóa”. |
Xác định đây là cây trồng chủ lực nên trong 3 nhiệm kỳ gần đây, tỉnh Thái Nguyên đều có đề án chuyên về phát triển cây chè để huy động nguồn lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè. Nhờ vậy, quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, góp phần nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt gần 23.000ha với năng suất chè búp tươi ước đạt 123,7 tạ/ha; giá trị sản xuất chè búp tươi ước đạt trên 5,5 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 44,3% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tăng 2,7 lần so với năm 2015; giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha chè ước đạt 270 triệu đồng, tăng 170 triệu đồng so với năm 2015.
Với tiềm năng và giá trị cây chè mang lại ngày một cao nên trong Đề án phát triển phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè toàn tỉnh ở ngưỡng 23.500ha, đến năm 2030 là 24.500ha.
Ngoài việc mở rộng diện tích, các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành, thị cũng đã có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè như cải tiến mẫu mã, bao bì, dán tem truy suất nguồn gốc; đa dạng hóa các sản phẩm mới từ cây chè.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt (T.P Thái Nguyên) cho biết: Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất chè sạch, chè an toàn, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra tiêu thụ trên thị trường 18 loại sản phẩm, gồm: Chè đinh sao tay, chè đinh đinh các loại, chè tôm nõn cao cấp, kẹo lạc trà xanh, bột trà xanh non… với giá bán đạt từ 150 đến 7 triệu đồng/kg. Tiếp đó, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, hằng năm, chúng tôi đều chú trọng thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm.
Hiện, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã xuất bán được 15 đến 17 tấn chè búp khô tại thị trường trong và ngoài tỉnh; doanh thu hằng năm đạt khoảng 6 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè cũng được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người làm chè chú trọng thực hiện để mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh những hình thức quảng bá truyền thống như hội chợ, triển lãm, quảng cáo, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, trong đó lấy cây chè làm trung tâm.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Trà Việt Thái, ở xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên).
Với cách làm này đã góp phần giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên đến đông đảo du khách thập phương. Nổi bật trong số đó là mô hình Hoàng Nông Farm ở xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông (Đại Từ). Anh Nguyễn Văn Tùng, chủ cơ sở Hoàng Nông Farm chia sẻ: Nhận thấy được tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch sinh thái ở quê nhà, năm 2017, tôi đã đầu tư làm cơ sở lưu trú theo hình thức Homestay.
Du khách đến với Hoàng Nông Farm sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động như: khám phá hệ sinh thái rừng, suối Cửa Tử; trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến chè… Ngoài các hoạt động trên, chúng tôi còn giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chè cho nhiều cơ sở sản xuất tại địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, khu nghỉ dưỡng của chúng tôi thu hút được khoảng 100 lượt du khách đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng lòng phát triển thương hiệu
Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn thì hiện nay, giá trị và sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Do vậy, để giữ vững được danh tiếng “Đệ nhất danh trà” luôn là trăn trở của các cấp chính quyền và người làm chè.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương): “Chúng tôi luôn đồng hành để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế”. |
Thiết nghĩ, để chè Thái Nguyên phát triển bền vững và khẳng định thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước thì ngay lúc này rất cần sự chung sức, đồng lòng của 4 nhà, gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Để tiếp tục phát huy tiềm năng của cây chè và đồng hành cùng người dân vùng chè, một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chính là phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển cây chè, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, nhiệm kỳ này, bên việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ khoa học kỹ thuật, quảng bá, tiêu thụ thì huyện sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát huy lợi thế từ cây chè.
Về phía ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh cũng định hướng, triển khai thực hiện nhiều chính sách để phát triển cây chè. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Đối với sản phẩm chè, chất lượng phải bắt đầu từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp để quy hoạch, mở rộng vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ người dân phát triển chế biến sâu để đa dạng hóa chủng loại và mẫu mã sản phẩm…
Thay vì hỗ trợ dàn trải thì chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các vùng chè trọng điểm và hợp tác xã, tổ hợp tác điển hình để từ đó nhân rộng trên toàn tỉnh. Ngoài ra, nhằm sát cánh cùng người làm chè, Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo hộ và quản lý sử dụng nhãn hiệu chè Thái Nguyên.
Bên cạnh các giải pháp của chính quyền địa phương và Sở chuyên môn thì hiện nay, nhà khoa học đã từng bước nghiên cứu về dược lý từ cây chè để phục vụ cho y học, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống công nghiệp; một số doanh nghiệp cũng đã chung tay, đồng hành cùng người dân phát huy giá trị cây chè Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái, ở xã Hà Thượng (Đại Từ) chia sẻ: Công ty đang thực hiện liên kết với các hợp tác xã và bà con nông dân ở Đại Từ, T.P Thái Nguyên để sản xuất chè theo hướng hữu cơ với tổng diện tích đạt trên 100ha, vùng đệm liên kết gần 200ha. Theo đó, người dân sẽ tham gia trồng, chăm sóc và thu hái chè. Còn lại, doanh nghiệp sẽ phụ trách về quy trình kỹ thuật và bao tiêu chè búp tươi...
Để thương hiệu chè Thái Nguyên không ngừng bay xa thì sự chung tay của 4 nhà như đã nêu là vô cùng cần thiết. Sản phẩm từ cây chè chắc chắn vươn ra thế giới khi các giá trị được khẳng định.
Trong những năm 2016-2017, chè Thái Nguyên đã vinh dự đoạt giải Đặc biệt và giải Bạc tại cuộc thi chè đặc sản quốc tế khu vực Bắc Mỹ - Canada. Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cũng đã được bảo hộ tại 3 quốc gia, vùng lãnh thổ là Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Năm 2020, sản phẩm chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương, (T.P Thái Nguyên) đạt sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. |
(Hết)