Kiểm soát, ngăn ngừa nợ xấu

07:30, 14/08/2021

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục bị gián đoạn sản xuất, giảm nguồn thu. Điều đó đồng nghĩa với khả năng trả nợ ngân hàng của nhóm khách hàng này cũng bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu. Chính vì vậy, ngăn ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng đang là yêu cầu quan trọng đặt ra cho các ngân hàng hiện nay.

Trước năm 2020, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh thường duy trì ở mức khoảng 0,7-0,8%/tổng dư nợ (trên 400 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội thì tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Dù thấp hơn toàn ngành, song nợ xấu trên địa bàn tỉnh vẫn tăng lên mức 1,11%/tổng dư nợ (trên 740 tỷ đồng). 

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) và là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng là một trong những vấn đề mà các ngân hàng cần quan tâm.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu thời gian qua là do dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động ở mức ổn định hoặc tăng trưởng khiêm tốn nên khả năng hấp thụ vốn yếu, một số đơn vị không trả nợ được đúng hạn dẫn đến nợ xấu.

Nhằm hỗ trợ khách hàng cũng là giải quyết khó khăn cho chính đơn vị mình, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Ưu đãi lãi suất, miễn, giảm nhiều loại chi phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… Cụ thể, với khách hàng không còn phương án kinh doanh khả thi, ngừng hoạt động, một số ngân hàng đã giảm, miễn lãi một phần nếu khách hàng hợp tác trả nợ; thỏa thuận với khách hàng xử lý tài sản đảm bảo; bán nợ và khởi kiện nếu khách hàng không hợp tác. 

Với khách hàng được cơ cấu nợ bị chuyển nợ xấu theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, có thời gian thử thách để được chuyển về nhóm nợ bình thường, các ngân hàng sẽ bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khách hàng luân chuyển vốn, giảm lãi suất vay, tăng thời hạn cho vay… đảm bảo hoạt động kinh doanh dần phục hồi và trả nợ đúng theo lịch đã được cơ cấu…

Thực tế cho thấy, nợ xấu trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt, thế nhưng, nếu tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khó khăn thì chắc chắn sẽ gây áp lực đối với các ngân hàng. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên nhận định: Thời gian tới, các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do các tỉnh, thành liên tục thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến việc tiếp xúc khách hàng, làm việc với các cơ quan hữu quan để tìm giải pháp giải quyết nợ xấu bị hạn chế. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hạn, nếu không được gia hạn và điều chỉnh các nội dung cho phù hợp hoặc luật hóa thì việc xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ gặp khó khăn.

Để ngăn ngừa và xử lý nợ xấu, theo ông Bùi Văn Khoa, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh yêu cầu các TCTD trên địa bàn theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của khách hàng; chủ động đánh giá, dự báo mức độ thiệt hại của khách hàng do ảnh hưởng của dịch nhằm kịp thời hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu để có giải pháp ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh; tiết giảm chi phí để tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay…