Nhiều năm trước, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng có hoạt động sản xuất gạch thủ công nổi tiếng nhất nhì huyện Phú Lương. Đi liền với sự phát triển của các lò gạch thủ công là tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Tuy nhiên, từ khi tỉnh thực hiện chủ trương xóa bỏ dần các lò gạch thủ công, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân Làng Phan đã có nhiều đổi thay.
Ông Đỗ Trung Phượng, Bí Thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Làng Phan nhớ lại: Nghề làm gạch thủ công đã tồn tại từ hàng chục năm nay và nuôi sống nhiều thế hệ ở Làng Phan. Vào thời gian cao điểm, khoảng trước năm 2005, hầu hết các hộ dân trong xóm đều làm gạch thủ công. Vốn nổi tiếng với chất lượng gạch tốt nên thời điểm đó, các lò gạch luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất, xe tải chở gạch đi lại nhộn nhịp.
Lúc đó, nông thôn ở Làng Phan chỉ toàn các lò gạch san sát và những cột khói xám xịt; không khí nồng nặc mùi khói khan. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề khiến cây trồng, vật nuôi cũng khó sinh trưởng và phát triển, sức khỏe của người dân cũng vì thế mà giảm sút. Mặc dù biết sản xuất gạch thủ công là không tốt nhưng thời điểm đó, chúng tôi chưa dám bỏ vì không biết nên chuyển đổi sang phát triển sản xuất ở lĩnh vực nào.
Phải đến năm 2013, khi UBND tỉnh có quyết định về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cuộc sống ở Làng Phan mới có sự chuyển mình. Theo lời kể của bà con, được sự vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền, từ năm 2016, 100% các lò gạch trong xóm đã dừng hoạt động.
Để giúp người dân có sinh kế ổn định sau khi các lò gạch thủ công bị xóa bỏ, các cấp chính quyền đã hướng dẫn người dân thực hiện san lấp, cải tạo các khu đất làm gạch để chuyển sang phát triển nông nghiệp, trong đó chủ lực là phát triển diện tích trồng chè.
Hàng năm, xã cũng rà soát, đề xuất huyện hỗ trợ giá giống chè; tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc và chế biến chè cho người dân. Bên cạnh đó, xã Cổ Lũng cũng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả các loại. Tính đến nay, Làng Phan là một trong những xóm có diện tích trồng chè lớn nhất xã Cổ Lũng với khoảng 42ha; năng suất chè búp khô đạt gần 5 tạ/ha/lứa. Nhờ cây chè, đời sống nhân dân trong xóm ngày càng được nâng cao. Hiện, thu nhập bình quân đạt khoảng 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4% (giảm 23,6% so với năm 2017).
Chị Nguyễn Thị Hường, một trong những người tiên phong đưa cây chè về trồng trên đất Làng Phan nói: Thời điểm lò gạch phải dừng hoạt động, gia đình tôi cảm thấy rất lo lắng vì chưa biết làm nghề gì để kiếm sống. Qua tìm hiểu, được biết ở các xã lân cận, người dân trồng chè rất nhiều và thu được hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mạnh dạn tìm hiểu và trồng thử nghiệm 1 sào chè cành. Nhận thấy cây trồng này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè lên 0,5ha. Hiện nay, trung bình mỗi năm, tôi thu được 6 lứa với 2,5 tạ chè búp khô/lứa. Với giá bán khoảng 150-400 nghìn đồng/kg, lợi nhuận trung bình mỗi năm của gia đình tôi đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Còn anh Dương Văn Thăng, một hộ dân trong xóm chia sẻ: Từ khi các lò gạch dừng hoạt động thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đã không còn, không khí trở nên trong lành hơn, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Nói về sự đổi thay của xóm Làng Phan, ông Vũ Văn Cương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Sau khi xóa bỏ các lò gạch thủ công, môi trường và kinh tế của xóm Làng Phan đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích người dân trong xóm phát triển sản xuất chè theo hướng an toàn; hỗ trợ bà con xây dựng các tổ VietGAP… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè, tạo ra sản phẩm chủ lực của xóm, giúp bà con nâng cao thu nhập.