Lũ quét, sạt lở đất: Phòng từ xa, từ sớm

07:09, 11/08/2021

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 3.200 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu đang sinh sống trong các vùng có nguy cơ sạt lở. Để hạn chế tối đa thiệt hại của thiên tai, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa bão, chính quyền các địa phương cùng ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hiện tượng sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét.

Sau mỗi trận mưa to, gia đình bà Lý Thị Thanh Bình, ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa) luôn nơm nớp lo đất, đá sạt trượt xuống nhà. Bà Bình bàng hoàng nhớ lại: Vào một đêm tháng 7 năm ngoái, cả nhà tôi đang ngủ thì nghe thấy âm thanh rầm rầm, sau đó, một tảng đá rơi xuống cạnh giường ngủ kèm theo rất nhiều đất tràn xuống nhà. Rất may là không có ai bị thương. Tuy vậy, từ đó đến nay, hễ trời mưa to là chúng tôi không dám ngủ mà phải thay nhau canh gác, đề phòng sự cố xảy ra. 

Nói về nguy cơ mất an toàn đối với bà con sinh sống ở vùng sạt lở trên địa bàn, ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Toàn xã hiện có 28 hộ với 140 nhân khẩu sinh sống ở các xóm: Kim Tân, Đồng Đình, Ao Sen... luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mỗi khi mưa lũ về, bà con ở các vùng này bị cô lập, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. 

Không riêng xã Kim Phượng mà nhiều địa phương khác trong tỉnh vẫn còn các điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá gây mất an toàn về tính mạng và tài sản của người dân. Đơn cử như tại phường Châu Sơn (T.P Sông Công), nhiều năm nay, sông Con chảy qua địa bàn đã làm xói mòn, sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân tổ dân phố Vinh Quang 1. 

Ông Hà Ngọc Vinh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Vinh Quang 1 chia sẻ: Vào mùa mưa, nước sông chảy xiết và thúc mạnh vào bờ đã làm xói lở hàng nghìn m2 đất sản xuất của 50 hộ dân. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhà ở của một số hộ dân sống gần bờ sông.

Căn nhà của gia đình bà Lý Thị Thanh Bình, ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa) nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão.

Còn trên địa bàn huyện Đại Từ, các xã nằm dưới chân núi Tam Đảo như: Quân Chu, Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh, Ký Phú… đều là khu vực có nhiều đồi núi cao, bị chia cắt bởi các khe suối nên cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, trận lũ ống xảy ra trên địa bàn xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu đã khiến 4 cầu tràn bị sạt lở, đập Cây Kháo bị hư hỏng hoàn toàn; 7 công trình nước tự chảy cùng một số tuyến đường bị sạt lở và vùi lấp.

Trước thực trạng trên, để bảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho hay: Chúng tôi đã lên kế hoạch sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện bảo vệ các vùng xung yếu, vùng ven hồ Núi Cốc, cụm dân cư ven sông Công, các vùng hay bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất ở chân núi Tam Đảo, núi Hồng, núi Chúa và các mỏ khai thác khoáng sản. Đồng thời, tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để nắm bắt thông tin, kịp thời báo cáo lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo ứng  phó kịp thời. 

Huyện cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm đối với các điểm có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn xảy ra… Còn theo bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai: Trong mùa mưa bão năm nay, các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ quét gồm: Xóm Tân Kim, xã Thần Sa; xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng và nhiều xóm dọc 2 bên sông Dong, sông Nghinh Tường… 

Để người dân và các cơ quan chức năng chủ động được biện pháp phòng tránh, huyện thường xuyên thông báo đầy đủ, kịp thời các bản tin cảnh báo, công điện ứng phó với thiên tai. Trong trường hợp khẩn cấp, huyện sẵn sàng hỗ trợ di dời các hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng đến nơi an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các loại hình thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp và khó lường. Chính vì vậy, công tác truyền thông, hướng dẫn bà con kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến như: Lũ quét, sạt lở đất, sét, mưa đá… đang được các địa phương quan tâm, chú trọng. 

Về phía Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm nay, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí lắp đặt các thiết bị dự báo và cảnh báo thiên tai tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời, mua bổ sung các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và ngành chức năng, về phía người dân cũng được khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các cảnh báo của chính quyền. Đồng thời, tăng cường gia cố nhà cửa, chủ động trong sản xuất, đời sống sinh hoạt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.